Những năm gần đây, mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ ở tỉnh Tuyên Quang đang phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp ý phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Không chỉ tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, mô hình này còn tạo ra nhiều việc làm, cải thiện cuộc sống và bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Trước đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Tuyên Quang chủ yếu dựa vào phương thức truyền thống, năng suất thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các chính sách khuyến khích phát triển nông lâm, ngư nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cùng với việc áp dụng công nghệ mới, mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ đã nhanh chóng được dân dân đón nhận và phát triển rộng rãi.
Toàn tỉnh có 11.288 ha mặt nước có tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, sản lượng cá đặc sản hằng năm đạt trên 1.800 tấn. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản đặc sản, mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Tính riêng huyện Na Hang với diện tích lên đến hơn 4.500 ha mặt nước lòng hồ thủy điện để nuôi thả các loại thủy sản. Tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt trên 500 tấn/năm. Nhờ phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ nhiều hộ dân ở Na Hang đã có nguồn thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo và làm giàu hiệu quả.
Ông Chẩu Văn Bích, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang cho biết, địa phương hiện có khoảng 1.288 lồng cá, 96 hộ gia đình, 3 doanh nghiệp, 2 Hợp tác xã (HTX) làm nghề cá. Tại các các xã Sơn Phú, Đà Vị, Yên Hoa, Năng Khả, thị trấn Na Hang. Người dân đã tận dụng mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng đặc sản như cá lăng, cá bỗng, cá tầm, cá chiên… đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho người dân địa phương.
![]() |
Ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang kiểm tra thực tế tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Tùng nuôi cá lồng tại xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình |
Các mô hình nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Anh Trịnh Ngọc Hà, thành viên HTX Thủy sản Na Hang, tổ 7, thị trấn Na Hang nuôi cá lồng từ năm 2018, hiện gia đình anh đang duy trì trên 120 lồng cá tại khu vực Bến thủy, thị trấn Na Hang, chủ yếu là cá lăng và cá tầm… Nhờ tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo sự an toàn và tốc độ tăng trưởng, nên cá sinh trưởng và phát triển tốt. Theo tính toán nếu chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, mỗi năm gia đình anh cung cấp ra thị trường từ 60 - 70 tấn cá/năm. Hiện cá lăng đang bán với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, cá tầm dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg; trừ các khoản cho thu lãi trên 500.000 triệu đồng/năm
Với diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện rộng là điều kiện lý tưởng để anh Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc HTX Giang Tùng ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình duy trì khoảng 100 lồng cá các loại, trong đó chủ yếu là cá đặc sản quý như cá bỗng, cá lăng, cá tầm. Theo anh Tùng, cá bỗng, cá tầm phải chăm 2-3 năm mới đạt trọng lượng từ 2,5 - 3 kg. Mặc dù lớn chậm nhưng các loại cá này ít dịch bệnh, thịt chắc, ăn rất thơm ngon nên có giá trị kinh tế cao hơn. Nếu như cá lăng, cá trắm chỉ bán được khoảng 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg thì cá bỗng, tầm luôn được giá trên 170.000 đồng đến trên dưới 200.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi lồng cá khi thu hoạch sẽ đạt trọng lượng khoảng trên dưới 3 tấn, tùy loại tương đương với doanh thu khoảng 300 triệu đồng/lồng.
Sông Lô đoạn chảy qua địa phận Tuyên Quang có chiều dài 145km, tận dụng lợi thế từ dòng sông, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã phát triển nghề nuôi cá lồng, đặc biệt, các loại cá đặc sản “ngũ quý” gồm cá chiên, cá lăng, cá rầm xanh, cá anh vũ, cá bỗng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống cho người dân. Ông Phan Thanh Bình, Giám đốc HTX sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên cho biết, các thành viên của HTX nuôi cá lồng trên sông Lô thuộc thôn Ba Luồng, Bình Thuận với quy mô trên 60 lồng nuôi cá chiên, cá bỗng... Nuôi cá lồng, nhất là cá chiên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với giá bán cá trung bình từ 500 nghìn đến 600 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi năm trừ chi phí mỗi hộ nuôi cá lãi từ 100 đến 350 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm cá chiên của hợp tác xã đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP
![]() |
Người dân thị trấn Na Hang phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện |
Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh khẳng định: Những năm qua, việc đẩy mạnh phát triển thủy sản nói chung và nuôi cá lồng trên sông, hồ nói riêng đã mở hướng đi mới và mang lại thu nhập cao cho người dân, nên được các ngành chức năng tạo điều kiện phát triển, đặc biệt là các loại cá có giá trị kinh tế cao, nhằm đẩy mạnh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ở Tuyên Quang. Phấn đấu năm 2025, phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng đặc sản trở thành ngành kinh tế hàng hóa quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh; với tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9.714 tấn; trong đó, cá đặc sản đạt hơn 1.144 tấn
Tuy nhiên, hiện nay việc nuôi cá đặc sản vẫn còn gặp khó khăn do đầu ra chưa ổn định. Các doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi cá lồng liên kết bao tiêu sản phẩm, phần lớn các hộ dân nuôi cá đặc sản chỉ bán cho các thương lái vùng xuôi và các nhà hàng trên địa bàn tỉnh. Để nghề nuôi cá đặc sản mang lại hiệu quả cao, ngoài tập trung thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh đẩy mạnh tập huấn cho người dân về quy trình nuôi cá lồng đặc sản trên sông theo hướng VietGAP; đa dạng hóa các loại cá nuôi, hướng vào các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị cao, đặc sản như cá chiên, bỗng, lăng chấm.
Các địa phương cần cũng định hướng thành lập Hiệp hội, HTX nuôi trồng thủy sản để giúp các hộ nuôi cá lồng có sự liên kết với nhau, cùng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm, cùng tìm kiếm đầu ra, ổn định giá cả. Hy vọng rằng, với sự chung tay của hỗ trợ của các cấp, ban ngành, nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng bền vững; tăng giá trị sản phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ.
Sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay cũng như đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, bảo vệ môi trường sinh thái là những yếu tố cần thiết để đảm bảo tính bền vững của mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ Tuyên ở Quảng. Kiểm tra chất lượng nước, phòng chống dịch bệnh cũng cần được chú ý để tránh gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sản phẩm.
Việc phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ ở Tuyên Quang đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với năng lực quan tâm đầu tư và nỗ lực của người dân, mô hình hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, mang lại nhiều giá trị kinh tế và xã hội cho tỉnh Tuyên Quang.