Từ Trung ương đến địa phương: Sẵn phương án đối phó trong tình huống diễn biến xấu vì dịch bệnh cho ngày bầu cử

21:57 19/04/2021

Để đảm bảo an toàn cho ngày bầu cử, đảm bảo an toàn sức khỏe cho toàn dân, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhưng địa phương cũng cần chủ động có phương án đối phó trong tình huống diễn biến xấu vì dịch bệnh.

Trong cả tuần qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã “chia tướng” đi giám sát tình hình bầu cử khắp mọi miền đất nước. Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội lên rừng, xuống biển trực tiếp cùng các địa phương xắn tay chuẩn bị cho ngày hội lớn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để đảm bảo an toàn cho ngày bầu cử, đảm bảo an toàn sức khỏe cho toàn dân, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhưng địa phương cũng cần chủ động có phương án đối phó trong tình huống diễn biến xấu vì dịch bệnh. Cũng bởi nỗi lo đại dịch, đất nước trong thời khắc tráo riết chuẩn bị cho dịp bầu cử.
hủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, chiều 19/4
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 1, khu phố 2B, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh./ Ảnh TTXVN

Tại Quảng Ninh, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được ủy ban bầu cử các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, với mục tiêu tổ chức an toàn, thành công cuộc bầu cử trong trạng thái bình thường mới.

Hải Phòng đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn cụ thể các công việc phải thực hiện phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức các hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, vận động bầu cử và bỏ phiếu bầu cử. Long An, tỉnh giáp TP. Hồ Chí Minh và biên giới Campuchia đang trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra phức tạp. Long An đã đặt mức báo động ở mức cao, đã và đang tiếp tục xây dựng nhiều tình huống, phương án dự phòng. Địa phương này đã kích hoạt lại các khu cách ly sẵn sàng tiếp nhận thêm 1.000 người khi có nhu cầu, thiết lập 36 chốt tuần tra biên giới trải dài trên hơn 133km; thường xuyên liên hệ với phía bạn Campuchia để nắm tình hình, tránh bị động khi có bất trắc xảy ra.
Đồng Tháp tiếp tục tăng cường các lực lượng tuần tra, chốt chặn, từ 17 lên 21 chốt kiểm soát 24/7 và 18 tổ kiểm tra lưu động; vận động kiều bào lúc này không nhập cảnh. An Giang kích hoạt ở mức cao nhất 187 tổ chốt công tác phòng chống dịch Covid-19 ven biên giới Campuchia. Hiện tại có 16 đến 20 người về Việt Nam mỗi ngày từ Campuchia đều được đưa vào các khu cách ly của các huyện biên giới An Giang.
Kiên Giang bố trí khoảng cách cứ 2 - 3m là có 1 đến 2 chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác liên tục trên toàn tuyến biên giới bộ dài 56km của tỉnh này giáp với Campuchia; cùng với đó, cứ 3 chốt cố định là có 1 tổ tuần tra lưu động hỗ trợ. Lực lượng được huy động tăng cường chống dịch lên tới hàng ngàn người. Các tàu tuần tra cỡ lớn và hàng chục xuồng cao tốc cỡ nhỏ trang bị động cơ công suất lớn tại Phú Quốc, Thổ Châu chạy canh gác trên biển cả ngày và đêm. Hàng nghìn tàu cá của ngư dân cam kết hỗ trợ thông báo tin tức khi phát hiện tàu lạ hoặc xuồng nhỏ chở người nghi vấn nhập cảnh lậu.
An Giang vận động bà con Khmer không nên tập trung vào các ngôi chùa vui tết, cúng bái dịp tết vì nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 hiện vẫn rất cao; cấm triệt để việc qua lại biên giới để thăm hỏi, họp mặt nhân dịp Tết Chol Chnam Thmey nhằm tránh nguy cơ lây dịch. Lực lượng biên phòng trực 24/24 giờ…
Xác định khả năng dịch Covid-19 xâm nhập vào TP. Hồ Chí Minh từ nước bạn là rất lớn, thành phố dồn sức tập trung kiểm soát chặt người nhập cảnh trái phép và ra cảnh báo ráo riết người dân không che giấu, chứa chấp người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Mặc dù đã qua 56 ngày không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng, nhưng các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Hà Nội vẫn khẩn trương chạy đua từng ngày, duy trì trạng thái sẵn sàng triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng xử lý dịch khi xuất hiện ca bệnh và các trường hợp có liên quan trên địa bàn quyết, quyết nói “không” với dịch bệnh…
Đoàn Trần