![]() |
Từ 1/6/2025: Ngừng cấp thẻ BHYT giấy, người dân dùng gì khi khám bệnh? |
Từ ngày 1/6/2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ chính thức ngừng cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy cho người tham gia. Thay vào đó, người dân sẽ sử dụng Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, hoặc ứng dụng VssID, VNeID để thực hiện khám, chữa bệnh theo diện BHYT.
Đây là một bước tiến trong quá trình chuyển đổi số, nhằm tinh giản thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý ngành bảo hiểm y tế.
Ứng dụng công nghệ thay thế thẻ giấy
Theo BHXH Việt Nam, sau thời điểm 1/6/2025, chỉ những trường hợp không thể sử dụng CCCD gắn chip hoặc ứng dụng số mới được tiếp tục cấp thẻ BHYT giấy. Trong hầu hết các trường hợp, người dân sẽ xuất trình thẻ BHYT điện tử thông qua: Ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam; Ứng dụng VNeID do Bộ Công an phát triển; CCCD có gắn chip đã liên kết dữ liệu bảo hiểm.
Việc tích hợp dữ liệu BHYT vào các nền tảng số này giúp rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, loại bỏ thủ tục rườm rà và giảm thời gian chờ chỉ còn 6–15 giây khi làm thủ tục.
Để không bị gián đoạn quyền lợi khi đi khám chữa bệnh, BHXH khuyến cáo người dân thực hiện các bước sau:
Cài đặt ứng dụng VssID hoặc VNeID trên điện thoại thông minh.
Tích hợp thông tin thẻ BHYT vào ứng dụng:
Với VNeID: Vào mục "Ví giấy tờ" → "Tích hợp thông tin" → Nhập số thẻ BHYT và đơn vị cấp thẻ.
Với VssID: Đảm bảo tài khoản đã đồng bộ thông tin CCCD/mã định danh cá nhân.
Liên hệ BHXH địa phương nếu gặp khó khăn khi cài đặt hoặc chưa có CCCD gắn chip.
Việc tích hợp này không chỉ đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh đúng tuyến, kịp thời, mà còn giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin BHYT mọi lúc, mọi nơi.
Chuyển đổi số giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng
Theo thống kê của BHXH Việt Nam: Đến đầu năm 2025, cả nước có 95,52 triệu người tham gia BHYT, chiếm 94,2% dân số, tăng 2% so với năm 2023. Trong năm 2024, đã có 186,2 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí gần 143.000 tỷ đồng được đề nghị thanh toán. Việc triển khai các nền tảng số thay thẻ BHYT giấy đã góp phần giảm tải nhân sự, rút ngắn thời gian xử lý, đồng thời giúp cơ quan BHXH kiểm soát, xác minh thông tin người tham gia hiệu quả hơn.
BHXH Việt Nam hiện đã hoàn tất việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác thực danh tính cho hơn 99,8 triệu công dân – nền tảng quan trọng để tiến tới quản lý BHYT điện tử toàn diện.
Cùng với thay đổi về phương thức sử dụng thẻ BHYT, Bộ Y tế đã ban hành Văn bản số 2909/BYT-BH và Thông tư số 01/2025/TT-BYT để siết chặt quy trình đăng ký và chuyển tuyến BHYT: Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh không phát sinh thêm thủ tục hành chính gây phiền hà. Thống nhất quy trình chuyển tuyến, đặc biệt tại các địa phương giáp ranh, giúp giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến cuối. Quy định thời hạn phiếu chuyển tuyến là 10 ngày làm việc, riêng các trường hợp mắc bệnh mạn tính hoặc hiểm nghèo, có thể được gia hạn tới 1 năm.
Sự thay đổi này không chỉ mang tính kỹ thuật mà là bước chuyển lớn về quản trị hệ thống y tế theo hướng hiện đại, minh bạch và phục vụ tốt hơn. Thay vì mang theo thẻ BHYT giấy dễ thất lạc, người dân nay chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc CCCD gắn chip là đủ điều kiện khám chữa bệnh theo quy định.
Đây cũng là cơ hội để người dân tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ công số, nâng cao nhận thức về quyền lợi BHYT và góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.