Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2023 có nhiều vấn đề tác động tới doanh nghiệp, đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế. Trung Quốc mở rộng thị trường có thể tác động haai chiều tới nền kinh tế Việt Nam.
Tích cực là tăng trưởng kinh tế toàn cầu tốt hơn. Đối với Việt Nam, một số ngành như du lịch, dịch vụ tác động một cách trực tiếp, hàng hóa sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc cũng rất thuận lợi. Thị trường hàng xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam cũng dồi dào.
Nhưng Việt Nam phải đối mặt với cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường thế giới. Có chuyên gia đã lo ngại về việc áp lực của lạm phát khi giá nguyên nhiên liệu trên thế giới tăng rất nhanh. Trung Quốc mở cửa thị trường sẽ tác động trực tiếp lớn.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, dự đoán về suy thoái kinh tế tại các thị trường quan trọng tại Việt Nam như châu Âu, Mỹ, đây cũng là yếu tố tác động tới kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp trong bối cảnh mới phải cẩn trọng quản lý rủi ro. Ví dụ như thời gian vừa qua, doanh nghiệp ngành gỗ đã chuyển hướng xuất khẩu viên nén gỗ. Đây là một sự sẵn sàng chuyển đổi, thích nghi cao và một điều cần có của doanh nghiệp, các ngành hàng Việt Nam thời gian tới.
Trả lời câu hỏi về chính sách tiền tệ và biện pháp thu hút FDI của Việt Nam năm 2023, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, năm 2023, vai trò của Quốc hội, Chính phủ sẽ thể hiện một cách rất đậm nét.
Bởi vì, năm 2022 là năm đầu tiên phục hồi sau dịch COVID-19 và sự trở lại bình thường của nền kinh tế sau một giai đoạn bị hạn chế nhiều chiều nên tốc độ tăng trưởng cao là điều đã dự đoán được. Tuy nhiên, năm 2023, để duy trì tăng trưởng cao thì phải chờ đợi giải pháp mạnh mẽ từ Quốc hội, Chính phủ.
Năm 2023, nền kinh tế chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt áp lực giải ngân đầu tư công, vì năm 2022 đầu tư công chưa về đích như kế hoạch. Những khó khăn trong thu hút FDI năm 2022 cũng đã được dự báo từ trước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động rất nhanh, khó lường, phức tạp, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt quá khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước, ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, để kiềm chế lạm phát gia tăng, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất làm giá trị đồng USD và các đồng tiền một số quốc gia lớn tăng giá mạnh. Động thái đó khiến dòng vốn đầu tư trong ngắn hạn có xu hướng dịch chuyển, rút về các quốc gia lớn và thu hẹp đầu tư. Trong khi vốn cấp mới, vốn đăng ký mới của năm nay sẽ là vốn giải ngân của các năm sau. Vì vậy, Bộ KH-ĐT đánh giá, khi vốn đăng ký mới sụt giảm, sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến các cân đối vĩ mô khác.
Tuy nhiên, khi đánh giá về triển vọng thu hút FDI trong năm 2023, các chuyên gia cho rằng đây sẽ là năm mà dòng vốn đăng ký mới phục hồi rõ rệt hơn. Bởi lẽ về trung và dài hạn, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp sẽ không chịu nhiều tác động từ suy thoái kinh tế thế giới do Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư nhờ nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, quy mô thị trường nội địa khá lớn.
Trước bối cảnh này, ông Tuấn khuyến nghị về sự cấp thiết phải xây dựng bộ công cụ sàng lọc dự án FDI.
Việc phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương được cấp phép và quản lý các dự án FDI trên địa bàn đã phát huy tính sáng tạo của nhiều địa phương trong thu hút FDI. Tuy nhiên, do phân cấp đại trà, dàn trải, chưa tính đến đầy đủ các đặc thù của địa phương, nên đã dẫn đến tình trạng địa phương cạnh tranh thu hút FDI bằng mọi giá, mời gọi đầu tư bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư không đúng thẩm quyền, vượt quy định, nhiều dự án làm phá vỡ quy hoạch, thậm chí cấp phép rồi không triển khai được và phải thu hồi giấy phép…
“Việc xây dựng bộ công cụ sàng lọc sẽ từng bước khắc phục những hạn chế của hoạt động thẩm định dự án FDI hiện tại, đồng thời nắn dòng vốn phù hợp với định hướng thu hút FDI trong giai đoạn mới của Việt Nam hướng nhiều hơn vào chất, thay vì chạy theo số lượng”, ông Tuấn nói.
Hoài Anh