Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sụt giảm mạnh 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ chiếm 20,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này trong 9 tháng qua. Xuất khẩu sang Nhật Bản cũng giảm 7,7%, chiếm 7,6% tổng kim ngạch.
Chỉ có thị trường Trung Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang thị trường này đạt 8,71 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 22,1% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Đáng chú ý, 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận con số 2,75 tỷ USD tăng 161,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với trái cây, Trung Quốc cũng chi 495,8 triệu USD mua gạo Việt Nam, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, xuất khẩu hạt điều sang thị trường này đạt gần 434 triệu USD, tăng hơn 42%; xuất khẩu cà phê trên 101 triệu USD, tăng 11,4%; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt gần 436 triệu USD, tăng 30%.
Theo các chuyên gia năm nay Trung Quốc có nhu cầu rất lớn với nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây với nhu cầu tăng từ vài trăm triệu đã lên đến hàng tỷ USD. Song bên cạnh thành công thì rủi ro cũng bắt đầu khi Trung Quốc mở cửa cho nhiều loại trái cây của Philippines, Malaysia…
Trung Quốc là thị trường mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp. Nhu cầu thị trường Trung Quốc khá đa dạng và không quá khó tính. Người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng các sản phẩm nông sản chế biến. Tuy nhiên, trên thực tế, với các doanh nghiệp nhỏ, vấn đề thâm nhập thị trường nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn khi chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, thủ tục của bên nhập khẩu.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến sâu để cho ra các sản phẩm có giá trị, chất lượng cao và sức cạnh tranh tốt. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, chủ động đổi mới phương thức kinh doanh và khai thác thị trường xuất khẩu phù hợp.
Ngọc Phi (TH)