Trung Quốc bày tỏ lo ngại về sự vắng mặt của họ trong các thử nghiệm 5G mới của Ấn Độ

11:14 06/05/2021

Hôm thứ Tư (5/5), Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về động thái của Ấn Độ không cấp phép cho bất kỳ công ty Trung Quốc nào tham gia thử nghiệm 5G tại thị trường internet lớn thứ hai thế giới.

Các nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây Ấn Độ quyết định không hợp tác với những nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc

Các công ty Trung Quốc khác đã hoạt động ở Ấn Độ trong vài năm, vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của chính phủ Ấn Độ để tham gia vào cuộc thử nghiệm 5G sắp tới

Điều này diễn ra trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng này đang phải 'vật lộn' để điều chỉnh lại quan hệ kinh doanh khi căng thẳng địa chính trị của họ gia tăng.

Bộ Viễn thông Ấn Độ đầu tuần này đã phê duyệt hơn chục đơn đăng ký của các công ty nhằm  tiến hành thử nghiệm kéo dài 6 tháng để kiểm tra việc sử dụng và ứng dụng công nghệ 5G tại nước này.

Trong số những công ty đã nhận được sự chấp thuận bao gồm những gã khổng lồ quốc tế như Ericsson, Nokia và Samsung sẽ hợp tác với các nhà khai thác viễn thông Ấn Độ Jio Platforms, Airtel, Vodafone Idea và MTNL để thử nghiệm.

Huawei, ZTE và các công ty Trung Quốc khác đã hoạt động ở Ấn Độ trong vài năm, vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của chính phủ Ấn Độ để tham gia vào cuộc thử nghiệm sắp tới. Đầu tuần này, Ấn Độ cho biết họ chỉ cấp phép cho những công ty đã được các nhà khai thác viễn thông lựa chọn.

Wang Xiaojian, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng quốc gia này bày tỏ “quan ngại và lấy làm tiếc rằng các công ty viễn thông Trung Quốc đã không được phép tiến hành thử nghiệm 5G với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của Ấn Độ”.

“Các công ty của Trung Quốc đã hoạt động ở Ấn Độ trong nhiều năm, mang lại nhiều cơ hội việc làm và đóng góp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Ấn Độ trong lĩnh vực viễn thông". Ông Xiaojian cho biết thêm: "Việc loại các công ty viễn thông Trung Quốc khỏi các cuộc thử nghiệm sẽ không chỉ gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ mà còn cản trở việc cải thiện môi trường kinh doanh của Ấn Độ, vốn không có lợi cho sự đổi mới và phát triển của các ngành công nghiệp liên quan".

Năm ngoái, Airtel (nhà khai thác viễn thông lớn thứ hai của Ấn Độ) nói rằng họ sẵn sàng hợp tác với các công ty công nghệ toàn cầu, bao gồm cả các công ty từ Trung Quốc. “Huawei, trong 10 hoặc 12 năm qua, đã trở nên cực kỳ uy tín trong các sản phẩm của họ, đến mức mà ngày nay tôi có thể yên tâm nói rằng sản phẩm 3G, 4G của họ mà chúng tôi đã trải nghiệm có khả năng vượt trội đáng kể so với Ericsson và Nokia", Sunil Mittal, người sáng lập Airtel, cho biết tại một hội nghị năm ngoái.

Trong cùng một hội thảo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ khi đó là Wilbur Ross đã hối thúc Ấn Độ và các đồng minh khác của Mỹ tránh xa Huawei.

Căng thẳng địa chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc leo thang vào năm ngoái với các cuộc giao tranh tại biên giới chung. Ấn Độ, vào đầu năm ngoái đã sửa đổi một quy tắc nhằm gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào các công ty Ấn Độ , kể từ đó đã cấm hơn 200 ứng dụng, bao gồm TikTok, UC Browser và PUBG Mobile vì lo ngại an ninh quốc gia.

Bảo Bảo (Theo TechCrunch)