Dự báo tăng trưởng chậm hơn của một số nền kinh tế lớn trong khu vực đã khiến Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (Amro) cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng thể cho năm 2024 đối với 10 quốc gia thành viên ASEAN, cũng như đối với cả Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Việt Nam bị thiệt hại từ cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm nay ước tính lên tới 81,5 nghìn tỷ đồng. (Ảnh: AFP). |
Theo đó, tổ chức giám sát kinh tế vĩ mô này đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho năm 2024 của khu vực ASEAN+3 xuống 4,2%, so với dự báo 4,4% được đưa ra vào hồi tháng 7. Nguyên nhân chính của thay đổi này là do sự điều chỉnh giảm tăng trưởng của Trung Quốc từ 5,3% xuống 5%, và Việt Nam từ 6,3% xuống 6,2%, theo báo cáo quý được Amro công bố vào ngày thứ Năm (3/10).
"Chúng tôi đã tương đối lạc quan về Trung Quốc", ông Khor Hoe Ee, nhà kinh tế trưởng của Amro, giải thích trong một cuộc họp báo cùng ngày.
Trước đó, Amro dự kiến lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc sẽ chạm đáy vào cuối năm nay, nhưng ở thời điểm hiện tại tổ chức này tin rằng quá trình suy giảm có thể sẽ kéo dài sang tận năm sau.
Đối với Việt Nam, Amro đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng do ảnh hưởng của siêu bão Yagi.
Việt Nam bị thiệt hại từ sạt lở, lũ quét
Việt Nam bị thiệt hại từ cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm nay ước tính lên tới 81,5 nghìn tỷ đồng, cùng với việc các trung tâm công nghiệp hướng xuất khẩu, nhà máy, nhà cửa và đất nông nghiệp bị phá hủy do sạt lở và lũ quét. Tổ chức này dự kiến sẽ có "nhiều hoạt động tái thiết" sau bão và do đó, tăng trưởng của Việt Nam sẽ được đẩy sang năm sau, ông Khor cho biết.
Bên cạnh đó, Amro đã nâng dự báo GDP của Việt Nam cho năm 2025 lên 6,6%, so với 6,5% vào tháng 7. Ngoài ra, tổ chức này cũng đã hạ dự báo cho Hồng Kông từ 3,5% xuống 3,3% và Indonesia từ 5,2% xuống 5,1% vào tháng 7.
Ông Khor làm rõ rằng, sự suy giảm nhẹ trong tốc độ tăng trưởng của Indonesia là "thuần túy kỹ thuật", do vấn đề liên quan đến phần thập phân thứ hai. "Indonesia là một trong những nền kinh tế bền bỉ nhất trong khu vực", ông nói.
Tất cả các dự báo tăng trưởng khác cho năm nay vẫn được giữ nguyên, ngoại trừ Thái Lan được nâng nhẹ lên 2,8% từ 2,7%.
"Chúng tôi dự báo nền kinh tế Thái Lan sẽ tiếp tục cải thiện, được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong du lịch và chi tiêu công", ông Allen Ng, trưởng nhóm kinh tế của Amro cho biết.
Nhìn chung, tăng trưởng khu vực dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong thương mại, nhu cầu nội địa bền vững, và du lịch tăng nhờ chính sách thị thực thông thoáng hơn ở một số quốc gia.
Tín hiệu tích cực cho tương lai
Xét đến năm sau, Amro dự báo tăng trưởng khu vực ASEAN+3 năm 2025 sẽ khả quan hơn, với mức tăng 4,4%, so với 4,3% trong dự báo trước đó. Đáng chú ý, Trung Quốc được kỳ vọng tăng trưởng 5,1% vào năm 2025, so với mức 4,9% trong dự báo của tháng 7 trước đó.
Ngoài ra, tăng trưởng của Thái Lan trong năm tới cũng được điều chỉnh tăng lên 3,3% so với mức 3%, trong khi dự báo của Việt Nam được nâng lên 6,6% so với 6,5%.
Theo Amro, 10 trong số 14 nền kinh tế trong khu vực được dự báo là sẽ mở rộng mạnh hơn vào năm 2025 so với năm nay, phù hợp với kỳ vọng toàn cầu về đà tăng trưởng ổn định, trong bối cảnh các điều kiện tài chính hiện nay đã dễ dàng hơn, cùng với đó là nhu cầu nội địa bền vững.
Lạm phát tiếp tục giảm
Lạm phát trong khu vực ASEAN+3 năm nay dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,9% từ mức 2,1% được dự báo vào tháng 7, vốn đã được điều chỉnh giảm so với dự báo trước đó vào tháng 4 là 2,5%. Tuy nhiên, dự báo này không bao gồm Lào và Myanmar, hai quốc gia chứng kiến lạm phát chủ yếu do sự giảm giá liên tục của đồng nội tệ.
Sự giảm lạm phát vào năm nay đã phản ánh tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt, giá thực phẩm giảm và lạm phát nhập khẩu thấp hơn, Amro cho biết.
Bên cạnh đó, Amro cũng cho rằng, lạm phát có thể tăng nhẹ lên 2,3% vào năm tới, chủ yếu do giá cả cao hơn ở Trung Quốc, Hồng Kông, Brunei, Campuchia, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, sự gia tăng lạm phát này có thể được lí giải bởi triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn cùng với các yếu tố cung ứng, chẳng hạn như việc giảm trợ cấp năng lượng ở các quốc gia, tổ chức này cho biết.
Nhìn chung, áp lực lạm phát trong khu vực hiện "vẫn được kiểm soát tốt", phù hợp với kỳ vọng bình thường hóa xu hướng lạm phát toàn cầu, Amro bổ sung.