HTX bưởi Xuân Thủy với tổng diện tích 10ha cùng sự tham gia của 13 hộ trồng bưởi. Sau khi mô hình được lựa chọn, Chi cục đã tiến hành tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia, cấp phát sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây bưởi do Chi cục biên soạn và phát hành. Các hộ tham gia mô hình đã được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật: Làm cỏ, tưới nước giữ ẩm cho cây bưởi, tỉa cành, tạo tán, giúp loại bỏ những nhánh vô hiệu sau khi thu hoạch, bón phân hữu cơ kết hợp với phân vi sinh, phân hóa học theo tỉ lệ cân đối, theo khung thời gian phù hợp…
Để phòng trừ sâu bệnh, Chi cục đã cử cán bộ thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các hộ cách điều tra, phát hiện và thống nhất biện pháp phòng trừ đồng thời chia sẻ thông tin sản phẩm phân bón, thuốc BVTV được phép sử dụng trong sản xuất bưởi VietGAP để lựa chọn sử dụng.
Sau gần một năm thực hiện, các vườn bưởi có áp dụng ICM cho thấy, lượng quả cao hơn so với tập quán trung bình trên 20 quả/cây, tổng doanh thu của vườn bưởi áp dụng ICM đạt khoảng 220 triệu đồng/ha, cao hơn vườn tập quán trên 80 triệu đồng, lợi nhuận đạt khoảng 172 triệu đồng/ha, cao hơn 89 triệu đồng so với vườn tập quán. Cuối tháng 8 năm 2022, HTX bưởi Xuân Thủy đã được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận VietGAP, cấp tem truy xuất nguồn gốc mã vạch điện tử, mã số định danh cho bưởi xuất khẩu sang thị trường Nga và Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Phú Thọ khẳng định: ICM là quy trình sản xuất kết hợp hài hòa giữa các biện pháp quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại, quản lý kinh tế với mục tiêu đem lại lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao bền vững, tránh sự lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và ít ảnh hưởng đến môi trường nhất. Những kết quả tích cực mô hình ICM của HTX bưởi Xuân Thủy mang lại sẽ là điều kiện thuận lợi để nhân rộng trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt ICM sẽ đưa cây bưởi trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, hướng tới xuất khẩu.
P.V