Công ty Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết, giá cả hàng hóa một số mặt hàng trong dịp tết có thể biến động tăng, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán. Trong đó, những mặt hàng sử dụng nhiều dịp tết như cá thu, cá ngừ, tôm sú sống, mực tươi, thịt heo, quýt đường, cải thảo… thường tăng giá từ 10%-50%; hoa ly, hoa huệ, cẩm chướng tăng giá gấp 2-3 lần so với ngày bình thường; còn lại hầu hết chỉ biến động nhẹ và một số ít còn giảm giá do sản lượng về nhiều.
Thời điểm hàng hóa biến động tăng mạnh rơi vào các ngày từ 26-28 tháng Chạp, với mức tăng có thể từ 20%-35% so với ngày thường, sản lượng tiêu thụ cũng tăng đến 50%, đạt khoảng 2.500-3.500 tấn/đêm. Sau đó, giá cả, lượng hàng hóa nhập chợ bắt đầu giảm dần, sản lượng tiêu thụ cũng giảm xuống chỉ bằng 50% so với lúc bình thường.
“Hiện công ty đã chủ động liên hệ và làm việc với các chủ vựa lớn tại chợ để cung cấp và đáp ứng đầy đủ số lượng vào từng thời điểm dịp tết, đảm bảo đủ hàng cung cấp cho nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, công ty cũng tuyên truyền, vận động bà con thương nhân ổn định giá cả, không lợi dụng thời điểm tết để nâng giá trục lợi; đồng thời, tăng cường kiểm tra, đảm bảo 100% điểm kinh doanh tại chợ có niêm yết và bán đúng giá niêm yết”, đại diện Công ty Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho biết.
Các doanh nghiệp nằm trong chương trình bình ổn thị trường thành phố cũng thông tin, đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa đảm bảo nguồn cung và cam kết giữ ổn định giá trước, trong và sau tết. Đơn cử, Công ty Vissan chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm tươi sống 2.800 tấn, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ; mặt hàng thực phẩm chế biến 4.200 tấn, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Vissan cũng chuẩn bị thịt heo đông lạnh khoảng 1.000 tấn, đóng gói quy cách là 2kg và 1kg, dùng cho trường hợp nếu có biến động về nguồn thịt, doanh nghiệp sẽ đưa lượng hàng này ra thị trường để đáp ứng lượng hàng thiếu hụt.
Công ty CP Ba Huân cho hay, năm nay, dự trữ lượng trứng của công ty tính đến thời điểm này đạt khoảng 90%. “Không bao giờ doanh nghiệp bình ổn để thiếu hàng. Nhu cầu dùng trứng của người dân rất thiết yếu nên công ty cương quyết không tăng giá, thậm chí giảm giá cho công nhân, lao động nghèo để họ được hưởng tết đầm ấm”, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, chia sẻ.
Ngoài 3 chợ đầu mối hoạt động lại, TPHCM hiện đang có hơn 200 chợ truyền thống tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên (đến nay có hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi). Ngoài ra, các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.600 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại). Như vậy, người dân TPHCM có thể yên tâm về nguồn cung hàng hóa tết năm nay sẽ được đảm bảo, không khan hiếm, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu.
Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, cho biết, Sở Công Thương đã liên tiếp cử nhiều đoàn công tác đến làm việc trực tiếp các tỉnh như: Đồng Tháp, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bến Tre… và doanh nghiệp bình ổn, chủ lực sản xuất chuẩn bị hàng tết về công tác cung ứng, dự trữ hàng phục vụ dịp trước, trong và sau tết. Chương trình hàng bình ổn cũng đã thu hút 80 doanh nghiệp tham gia với số tiền 7.000 tỷ đồng.
Dự báo của Sở Công Thương, sức mua năm nay không bằng những năm trước nhưng vẫn có thể đột biến vì người dân, đặc biệt là công nhân sẽ ở lại đón tết nhiều hơn các năm trước bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, việc chuẩn bị hàng hóa trong tết phải ở cường độ cao, chủ động các tình huống nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của mọi tầng lớp nhân dân.
ĐT