Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) đối với các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn.
Nhóm 1 gồm 48 dự án, 8.159 căn chưa cấp sổ hồng không có vướng mắc về mặt pháp lý, chỉ chờ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Cơ quan chức năng sẽ làm việc trực tiếp với Cục Thuế TP, Chi Cục Thuế các quận, huyện và TP Thủ Đức, các doanh nghiệp. Trong tháng 6 sẽ báo cáo nguyên nhân chậm trễ và đề ra phương hướng giải quyết.
Nhóm 2 gồm 30.061 căn chưa cấp do doanh nghiệp dự án chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ hồng. Trong quý III-2023, cơ quan chức năng sẽ làm việc trực tiếp doanh nghiệp để đôn đốc.
Nhóm 3 gồm 29 dự án với 10.019 căn, vướng mắc về loại hình bất động sản mới chưa quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Sở TN&MT sẽ tổ chức tập huấn (trong tháng 5) để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất thương mại, dịch vụ tại các dự án theo quy định của Nghị định 10-2023.
Nhóm 4 gồm 39 dự án với 19.958 căn, do phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, có 23 dự án đang được các đơn vị tư vấn thực hiện thẩm định giá. Sở TN&MT sẽ trình 23 dự án này lên Hội đồng thẩm định giá đất TP từ tháng 5 đến tháng 10-2023. Đồng thời, trong năm nay, cơ quan chức năng phải đề ra được giải pháp, phương hướng giải quyết đối với 16 dự án còn lại.
Nhóm 5 gồm 6 dự án với 4.653 căn đang gặp các vướng mắc khác. Sở TN&MT nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ trong quý II và quý III-2023.
Nhóm 6 gồm 18 dự án với 8.235 căn chưa được cấp sổ hồng do đang thanh tra, kiểm tra, điều tra. Sở TN&MT sẽ có văn bản trao đổi với cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra về khả năng tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính về cấp sổ hồng, thời gian thực hiện từ quý II đến hết quý III-2023.
Thực tế, việc triển khai nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa hấp dẫn, không thu hút. Tình trạng căn hộ cho thuê trong nhiều dự án còn để không, lãng phí, việc xác định đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội còn nhiều bất cập.
Theo các chuyên gia, phát triển nhà ở xã hội gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và không thực thi. Việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn, nguồn vốn chưa bền vững, lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội cũng chưa thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội vẫn dao động 12-14%, đây là mức quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội. Trong khi trách nhiệm của doanh nghiệp cần phải đảm bảo tiến độ, đảm bảo giao căn hộ đúng thời gian cho người mua. Bởi sự chậm trễ của doanh nghiệp, chủ đầu tư trễ, người mua nhà vừa phải tiếp tục thuê nhà ở, vừa phải đóng lãi vay ngân hàng…
PV (t/h)