Tiền Giang: Điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và những dấu ấn phát triển kinh tế

16:03 08/06/2023

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ giao trên 4.954 tỉ đồng vốn đầu tư công, địa phương giao thêm 360 tỉ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ giao trên 4.954 tỉ đồng vốn đầu tư công, địa phương giao thêm 360 tỉ đồng. Tỉnh Tiền Giang hiện có 03 khu công nghiệp: Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang và 05 cụm công nghiệp: Trung An, Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho); Song Thuận (huyện Châu Thành), An Thạnh I (huyện Cái Bè) và Gia Thuận I (huyện Gò Công Đông) hiện đang hoạt động.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tiền Giang cũng đã thu hút thêm được 10 dự án đầu tư mới vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với tổng vốn đăng ký trên 834 tỷ đồng, tăng gấp 4,68 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 05 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua Sông Tiền là công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế ĐBSCL (ảnh :báo Thanh Niên)
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua Sông Tiền là công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế ĐBSCL (Nguồn ảnh: báo Thanh Niên).

Đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút 81 dự án FDI, 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 2,255 tỷ USD và trên 2.370 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 91,6% tổng diện tích đất công nghiệp, tạo việc làm cho trên 93.000 lao động. Các cụm công nghiệp cũng đã thu hút 07 dự án FDI, 73 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 153 triệu USD và trên 2.415 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 83,4% tổng diện tích đất công nghiệp và tạo việc làm cho trên 17.000 lao động.

Đồng thời, tỉnh cũng phát triển thêm được 588 doanh nghiệp mới, tăng trên 62% so cùng kỳ năm trước và thêm hơn 700 hộ kinh doanh thành lập mới, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển thêm 03 khu công nghiệp: Tân Phước 1, Tân Phước 2 (huyện Tân Phước) và Bình Đông (thị xã Gò Công); 15 cụm công nghiệp tại các vị trí đắc địa ở các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Đình Thông -  Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết: “Nhằm sử dụng nguồn lực đạt hiệu quả cao, tập trung đầu tư có trọng điểm, phù hợp lợi thế so sánh của từng tiểu vùng; đồng thời tạo sự liên kết với ĐBSCL và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngày 05/4/2017, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU về Phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh sẽ thu hút 250 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 70.000 tỷ đồng. Để tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư cũng như đón làn sóng đầu tư mới, các sở, ban ngành tỉnh và các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp để giải quyết nhanh các hồ sơ dự án đầu tư; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ dự án để sớm tổ chức thẩm định và đề xuất UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Tỉnh cũng tập trung thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN. Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN khẩn trương xây dựng và phát hành các tài liệu xúc tiến đầu tư. Các sở, ngành tỉnh tăng cường công tác phối hợp trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án sớm đi vào hoạt động”.

Cửa cống Xuân Hòa được xây dựng từ hình thức vận hành đóng mở tự động sang vận hành cưỡng bức để gạn triều, lấy ngọt và 01 trạm bơm tiếp ngọt cho vùng dự án
Cửa cống Xuân Hòa được xây dựng từ hình thức vận hành đóng mở tự động sang vận hành cưỡng bức để gạn triều, lấy ngọt và 01 trạm bơm tiếp ngọt cho vùng dự án.

Cùng với đánh thức tiềm năng, thu hút nguồn lực đầu tư, địa phương chú trọng xây dựng chính quyền thân thiện, tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp song song với thực hiện các chính sách đồng bộ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chú trọng tháo gỡ vướng mắc trong thúc đẩy đầu tư, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, chỉ số PAPI, SIPAS,… đồng thời với thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển hộ kinh doanh và khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, mở rộng qui mô sản xuất - kinh doanh, đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương.

Ngoài ra, tỉnh còn tích cực rà soát về đất đai, quy hoạch, hành lang pháp lý,… đảm bảo các nhà đầu tư có đủ cơ sở pháp lý triển khai nhanh các dự án đầu tư đã được phê duyệt ngay sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư cần thiết cũng như ban hành và cập nhật danh mục các dự án mời gọi đầu tư, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, để hoàn thành tốt các mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư trong giai đoạn 2020-2025, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả trong giai đoạn vừa qua, Tiền Giang tập trung vào 5 giải pháp trọng tâm sau:

Một là, hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, thống nhất, đồng bộ giữa các loại quy hoạch, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thuê tư vấn nước ngoài có uy tín để xây dựng quy hoạch tỉnh. Kịp thời công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, dự án mời gọi đầu tư, đất đai, chính sách ưu đãi….

Hai là, ưu tiên nguồn vốn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh, tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước…, tạo nền tảng để thu hút, mời gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư. Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết hợp tạo quỹ đất để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án đường tỉnh 864 nối dài (từ Quốc lộ 30 đến biển), đường vào trung tâm Đồng Tháp Mười, đường giao thông phát triển công nghiệp phía Đông, hệ thống giao thông nối kết vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến nông sản…  

Ba là, tiếp tục cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa tối đa các thủ tục liên quan đến công tác đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Thực hiện theo quy chế liên thông, qua mạng, rút ngắn thời gian giải quyết. Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp mới, mở rộng quy mô doanh nghiệp đang hoạt động.

Xây dựng, cập nhật thường xuyên Danh mục dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh với đầy đủ thông tin liên quan và tổ chức công bố công khai thông qua các kênh thông tin đại chúng để nhà đầu tư thuận lợi từ khâu tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu dự án. Khảo sát, lấy ý kiến của các doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng nghiên cứu, tháo gỡ kịp thời các khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá đầu tư để phối hợp giải quyết các khó khăn cho từng dự án đầu tư.

Bốn là, tập trung thực hiện tốt và đạt tiến độ cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án mời gọi đầu tư mà thời gian qua tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm quý, để sớm triển khai các dự án đầu tư, đây là khâu quan trọng và mất nhiều thời gian.

Năm là, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động phục vụ các doanh nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động của tỉnh.

Một góc KCN tỉnh Tiền Giang
Một góc KCN tỉnh Tiền Giang.

Là tỉnh nằm ở khu vực sông Tiền và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Tiền Giang có vị trí đắc địa, thuận lợi trong giao thương và lưu thông, vận chuyển hàng hóa, trong làm ăn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông thủy bộ phát triển với các tuyến giao thông huyết mạch kết nối toàn vùng như: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, Quốc lộ 30, Quốc lộ 60, Quốc lộ 50, tuyến sông Tiền, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo,…

Bích Liên