Thưa ông, để tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn trong thời gian tới, huyện Quảng Trạch đang tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì?
Những năm gần đây, mặc dù phải trải qua nhiều thiên tai, khó khăn dồn dập… Nhưng, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Quảng Trạch vẫn có những bước phát triển quan trọng. Giai đoạn 2015-2020, tình hình kinh tế huyện duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất bình quân tăng 11,52%/năm. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn trong thời gian tới, huyện Quảng Trạch đang tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Về phát triển kinh tế: Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ về giống, kỹ thuật sản xuất và xúc tiến thị trường hàng hoá nông sản. Phát triển các trang trại có quy mô lớn, khuyến khích phát triển gia trại ở quy mô hợp lý gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ sản gắn với chế biến hải sản, trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các cụm điểm công nghiệp, thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Hòn La, hoàn thiện xây dựng khu kinh tế tổng hợp các ngành công nghiệp chế biến, cảng biển, đóng tàu, cơ khí. Hỗ trợ hình thành và phát triển các làng nghề truyền thống, nghề mới có tiềm năng thế mạnh. Đầu tư hỗ trợ vốn khuyến công cho những sản phẩm OCOP của huyện gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng tại trung tâm huyện lỵ, như: Chợ, trường học, hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng kỷ thuật đô thị, hạ tầng dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân; phấn đấu trung tâm huyện lỵ cơ bản đủ điều kiện công nhận đô thị loại V. Từng bước phát triển hạ tầng đô thị tại trung tâm Khu Kinh tế Hòn La, Roòn.
Tăng cường thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, quảng bá du lịch, đồng thời kết hợp chặt chẽ với xúc tiến thương mại. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ. Hình thành các cụm điểm thương mại, dịch vụ vận tải hàng hóa, dịch vụ logistics dọc hành lang Quốc lộ 1A, Quốc lộ 12A, Khu kinh tế Hòn La, hậu cần nghề cá ở khu vực Roòn. Phát triển hạ tầng du lịch, các khu nghỉ dưỡng ven biển các xã Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Hưng, Quảng Xuân. Phát triển trung tâm du lịch trọng điểm Vũng Chùa - Đảo Yến gắn với phát huy lợi thế của cụm di tích Hoành Sơn Quan, đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, khu mộ Đại tướng, làng Bích hoạ Cảnh Dương.
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, thể chất, kỹ năng sống cho học sinh. Tập trung chỉ đạo hoàn thành tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch. Tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Tăng cường công tác y tế, nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và chính sách an sinh xã hội. Chú trọng công tác liên kết đào tạo nghề, phát triển và định hướng đào tạo nghề gắn với thực tiễn để giảm nghèo bền vững.
Thu hút đầu tư đang được nhiều địa phương coi là một trong những giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Vậy quan điểm của lãnh đạo huyện Quảng Trạch về vấn đề này như thế nào? Và Quảng Trạch đã có những chính sách gì để thu hút đầu tư, thưa ông?
Thu hút đầu tư là một trong những giải pháp để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Về vấn đề này, huyện Quảng Trạch cũng không nằm ngoài quy luật phát triển chung như các thành phố, thị xã và các huyện trong tỉnh Quảng Bình. Với địa bàn đa dạng, có cả vùng đồi núi lẫn đồng bằng ven biển, Quảng Trạch có tiềm năng phát triển đa ngành kinh tế. Vùng núi, đồi và trung du (chiếm 65% diện tích), có thể trồng rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc. Vùng đồng bằng ven biển thuận lợi, phát triển cây lương thực, rau, màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy hải sản. Với 25km bờ biển, có khu kinh tế Hòn La với cảng biển nước sâu đã đi vào hoạt động đang tạo cơ hội to lớn cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và kinh tế biển. Như đã đề cập ở phần trên, Quảng Trạch còn có nhiều danh lam, di tích như: Vũng Chùa - Đảo Yến, Hoành Sơn Quan và các bãi tắm Thọ Sơn (Quảng Đông), Thanh Bình (Quảng Xuân), di tích chiến khu Trung Thuần, đền thờ Thánh Mẫu Chúa Liễu Hạnh, khu lăng mộ Đại tướng, làng bích họa Cảnh Dương… là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tâm linh, tất cả đều đã được kết nối với các tua, tuyến trong và ngoài tỉnh.
Trong những năm qua, lãnh đạo huyện Quảng Trạch luôn quan tâm chú trọng đến công tác thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các xã thuộc khu kinh tế Hòn La và trung tâm huyện lỵ mới. Ngoài việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của tỉnh để thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư, hoạt động trên địa bàn, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động và phát huy tốt vai trò của mình. Huyện ưu tiên nguồn lực đầu tư các Dự án hạ tần kỹ thuật, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông; hệ thống cấp thoát nước; hệ thống điện và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, du lịch, dịch vụ… Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương thức đào tạo nghề. Thực hiện các chương trình đào tạo nghề đối với các lĩnh vực chủ yếu, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; liên kết giữa các cơ sở sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện tốt chính sách thu hút, sử dụng nhân tài.
Tiếp tục thực hiện, vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các chính sách của Nhà nước để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các loại hình dịch vụ, nhất là các loại hình dịch vụ chất lượng cao. Công tác cải cách hành chính và giải phóng mặt bằng luôn được lãnh đạo huyện quan tâm và chỉ đạo nhằm thu hút đầu tư trên địa bàn. Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, huyện chủ động, kịp thời cụ thể hóa các giải pháp phù hợp thực tế, tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu các lĩnh vực để đầu tư một cách thuận lợi. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng, các thủ tục về bảo vệ môi trường... theo đúng quy định.
Trong thời gian tới huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh đề xuất, mời gọi, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường vào các cụm công nghiệp như chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc…. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, hệ thống chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Trọng Lãnh (thực hiện)