“Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ đang diễn ra trong OECD vẫn chưa tạo được số lượng việc làm mới đủ để đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm về mức trước đại dịch tại hầu hết các quốc gia thành viên”, báo cáo có đoạn viết.
Tổ chức có trụ sở tại Paris, Pháp, ước tính rằng đại dịch đã khiến số người thất nghiệp tại các nước OECD tăng thêm 8 triệu người trong năm 2020. Ngoài ra, còn có 14 triệu người khác cũng mất việc vì Covid nhưng chưa có ý định đi tìm việc làm mới.
Tính đến cuối năm 2020, số người không có việc làm trong thời gian ít nhất 6 tháng tại các quốc gia OECD đã tăng 60% so với mức trước đại dịch. Con số này tiếp tục tăng trong quý 1/2021, với ảnh hưởng nhiều nhất rơi vào những nhóm có mức độ dễ tổn thương cao hơn.
Báo cáo được OECD đưa ra trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng tăng vọt tại nhiều nền kinh tế lớn, khiến doanh nghiệp phải tăng lương để chống chọi với tình trạng thiếu nhân công. Một báo cáo ngày 8/7 từ KPMG, IHS Markit và Recruiment and Employment Confederation cho thấy mức tăng lương khởi điểm ở Anh trong tháng 6 đã đạt mức cao nhất 7 năm.
Tại Mỹ, các doanh nghiệp cũng đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động, một phần do các chương trình hỗ trợ thất nghiệp trong thời gian Covid-19 của Chính phủ giúp nhiều người vẫn đảm bảo được cuộc sống mà không cần đi tìm việc làm.
Theo OECD, người trẻ và người thu nhập thấp là những nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Năm 2020, số giờ làm việc của những công việc thu nhập thấp tại các nước phát triển giảm 28%, nhiều hơn 18 điểm phần trăm so với mức giảm số giờ làm của những công việc thu nhập cao.
Số người trẻ không có việc làm hoặc không đi học tại các nước OECD tăng thêm 3 triệu người trong năm 2020, đảo ngược xu hướng giảm của cả một thập kỷ trước đó – báo cáo cho hay.
Tỷ lệ thất nghiệp trong OECD đã giảm từ mức 8,8% vào tháng 4/2020, khi làn sóng Covid-19 đầu tiên bắt đầu, xuống còn 6,6% vào tháng 5/2021. Tuy nhiên, mức thất nghiệp này vẫn cao hơn 1,3 điểm phần trăm so với ở thời điểm tháng 2/2020, khi Covid chưa trở thành đại dịch toàn cầu.
Mỹ là quốc gia có sự phục hồi ấn tượng nhất về việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp giảm từ đỉnh gần 15% trong đại dịch xuống còn 5,9% vào tháng trước. Dù vậy, so với trước đại dịch, số việc làm ở Mỹ hiện nay vẫn đang ít hơn khoảng 7 triệu công việc.
Báo cáo của OECD khuyến nghị các chính phủ tăng cường đào tạo lao động trong các ngành kinh tế xanh và kỹ thuật số, đồng thời tập trung hỗ trợ việc làm cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giãn cách xã hội.
“Việc rút lại quá sớm các biện pháp hỗ trợ bằng tài khoá sẽ đặt ra nguy cơ phá hỏng tiến trình phục hồi”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cảnh báo. “Nhưng mặt khác, việc duy trì sự hỗ trợ bao trùm trong thời gian quá dài có thể gây suy giảm sức mạnh và chất lượng của sự phục hồi trong dài hạn, vì sẽ làm chậm lại tiến trình tái phân bổ vốn và lao động trong nền kinh tế.
Trong đại dịch Covid-19, vào lúc đỉnh điểm, chính phủ các nước OECD đã hỗ trợ cho khoảng 60 triệu công việc, nhiều gấp 10 lần so với trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu.
PV