Thương mại Việt Nam - Lào trong quý I/2025 đã ghi nhận mức tăng trưởng đột phá cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu, phản ánh sự mở rộng đáng kể trong hợp tác kinh tế song phương. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Lào trong ba tháng đầu năm đạt 346 triệu USD, tăng tới 139% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu từ Lào cũng tăng mạnh 91%, đạt 633 triệu USD.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào ghi nhận sự chuyển dịch rõ nét về cơ cấu, với nhóm hàng công nghiệp, hóa chất và vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng lớn và có mức tăng trưởng cao kỷ lục. Đáng chú ý nhất là sản phẩm hóa chất – mặt hàng dẫn đầu với kim ngạch 181 triệu USD, tăng vọt so với mức 1,37 triệu USD cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng gấp 132 lần. Đây không chỉ là mặt hàng có kim ngạch cao nhất mà còn là động lực chính thúc đẩy tổng giá trị xuất khẩu sang Lào tăng mạnh trong quý đầu năm.
![]() |
Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh HN |
Bên cạnh đó, một loạt mặt hàng công nghiệp khác cũng tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép đạt gần 20 triệu USD, tăng 102% so với quý I/2024. Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác ghi nhận mức tăng 243%, từ 8,1 triệu USD lên 28 triệu USD. Sắt thép nguyên liệu cũng tăng 91%, lên 13 triệu USD. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tái thiết, đầu tư hạ tầng và mở rộng sản xuất tại Lào đang gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa công nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Các mặt hàng khác cũng có bước tiến vượt bậc, trong đó phân bón tăng 300% lên 7 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 73% đạt 10,6 triệu USD. Dù kim ngạch còn tương đối nhỏ, nhóm clinker và xi măng ghi nhận mức tăng tới 1.940%, từ 0,1 triệu USD lên 2 triệu USD – một tín hiệu rõ ràng về nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại Lào. Dây điện, dây cáp điện cũng đạt mức tăng trưởng ổn định với 2,53 triệu USD, tăng 47%.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, vẫn có một số nhóm hàng xuất khẩu sang Lào sụt giảm mạnh. Xăng dầu chỉ đạt 4,3 triệu USD, giảm 85% so với cùng kỳ, trong khi gỗ và sản phẩm gỗ giảm 76%, chỉ còn 650 nghìn USD. Nhóm hàng nông sản ghi nhận sự phân hóa: rau quả đạt 3,04 triệu USD, giảm 19,3% so với quý I/2024; trong khi cà phê đạt 280 nghìn USD, tăng 75%.
Ngoài ra, nhóm hàng hóa khác – không được Cục Hải quan công bố chi tiết – mang về cho Việt Nam 44,6 triệu USD trong quý I/2025, giảm nhẹ 1,7% so với cùng kỳ.
Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam ghi nhận nhập khẩu từ Lào 8 mặt hàng chính, chủ yếu tập trung vào nguyên liệu thô và sản phẩm phục vụ sản xuất. Dẫn đầu là cao su với kim ngạch 65 triệu USD, tăng 17,7% so với quý I/2024. Than đá đứng thứ hai với giá trị 49,1 triệu USD, tăng tới 95% – gần gấp đôi so với cùng kỳ, cho thấy nhu cầu lớn từ các nhà máy điện và công nghiệp trong nước.
Các mặt hàng tiếp theo bao gồm phân bón với 26,4 triệu USD, tăng 16,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 24,6 triệu USD, giảm nhẹ 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng ba chữ số như kim loại thường khác (tăng 150%, đạt 200 nghìn USD) và rau quả (tăng 140%, đạt 1,68 triệu USD).
Tuy vậy, nhập khẩu từ Lào không phải hoàn toàn thuận chiều. Một số mặt hàng ghi nhận sụt giảm đáng kể như ngô (chỉ đạt 8,1 triệu USD, giảm 49%) và quặng, khoáng sản khác (giảm 60%, còn 10,2 triệu USD). Những biến động này có thể phản ánh sự điều chỉnh trong nhu cầu tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi về nguồn cung.
Đặc biệt, nhóm hàng hóa khác không được công bố cụ thể ghi nhận mức tăng trưởng bùng nổ, với giá trị nhập khẩu lên tới 448 triệu USD, tăng 181% so với mức 158,9 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy các hoạt động thương mại mới đang được mở rộng giữa hai quốc gia, với các mặt hàng tiềm năng chưa được phân loại cụ thể trong thống kê truyền thống.
Có thể nói Thương mại Việt – Lào trong quý I/2025 đã chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể cả về quy mô và cơ cấu. Các mặt hàng công nghiệp, hóa chất và nguyên liệu thô đang dần thay thế vai trò truyền thống của các nhóm hàng nông sản và nhiên liệu. Sự thay đổi này không chỉ phản ánh mức độ mở rộng về năng lực sản xuất và tiêu dùng của Lào, mà còn mở ra dư địa lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung ứng hàng hóa công nghiệp, thiết bị và vật tư xây dựng sang thị trường láng giềng.