"Thung lũng Silicon" của Trung Quốc trở nên ảm đạm do thiếu vắng doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh Covid-19

16:06 05/08/2021

Trong một văn phòng tại khu công nghiệp điện tử rộng lớn ở Thâm Quyến, một nhóm kỹ sư đang tạo mẫu phản ứng sinh học được kỳ vọng sẽ sản xuất ra “thịt” một ngày nào đó không xa, đồng thời thảo luận về kích thước linh kiện cần thiết trong một cuộc gọi video với các nhà khoa học ở nước Anh xa xôi. Việc đóng cửa biên giới do Covid-19 dẫn đến một khung cảnh hoàn toàn khác so với sự sôi động ở trung tâm khởi nghiệp Thâm Quyến trước đây.

Thâm Quyến nhìn từ trên cao
Thâm Quyến nhìn từ trên cao. (Ảnh: internet)

Ke Ji, một kỹ sư cơ khí sinh ra ở Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi thường chỉ tập trung làm việc với các nhóm trong nước hoặc khách nước ngoài đến đàm phán nhưng giờ đây chúng tôi phải tìm cách kết hợp với các nhóm ở tận Canada”. Không còn nhộn nhịp như trước, các kỹ sư hiện dành cả buổi chiều hoặc các buổi tối gọi nhóm với đồng nghiệp ở Bắc Mỹ và Châu Âu, tranh giành nguồn linh kiện trên toàn thế giới.

Việ không thể gặp trực tiếp dẫn đến những bất lợi nhất định. Kỹ sư Henk Werner đã làm việc 14 giờ mỗi ngày trong vài tháng qua để tìm ra mô hình mới giúp các nhà sản xuất phần cứng quy mô nhỏ từ nước ngoài đến Thâm Quyến. Thế nhưng tháng 2 vừa qua anh đã buộc phải dừng hoạt động khi đối tác không còn đủ khả năng chi trả. Anh cho biết: “Chúng tôi đang ở trong một không gian làm việc chung với tư cách là quan hệ đối tác. Không gian đó không thể tồn tại khi các biên giới vẫn còn đóng kín cửa, ngay cà những công ty địa phương của Trung Quốc cũng rời đi”. Giờ đây, Werner đang chuẩn bị một vườn ươm tại một địa điểm mới với các đối tác Trung Quốc với hy vọng thu hút các công ty khởi nghiệp địa phương và mở rộng hoạt động khi biên giới mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, tuy rằng số ca bệnh thấp đã giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng nhưng quyết định đóng cửa hầu hết các hoạt động du lịch trong nước đã tàn phá các doanh nghiệp như trường học quốc tế, tư vấn thương mại điện tử và quản lý chuỗi cung ứng.

Sân bay ở Quảng Châu, cách Thâm Quyến khoảng 100km, chỉ đón 56.000 lượt khách quốc tế đến và đi trong tháng 6, rất ít trong số đó là người nước ngoài và giảm mạnh so với mức 1,5 triệu lượt vào tháng 1 năm 2020, trước khi bắt đầu ngừng hoạt động. Với sự bùng phát mới của biến thể Delta, Trung Quốc hiện được cho là sẽ duy trì các chính sách biên giới nghiêm ngặt.

Tại Quảng Đông, nơi “thung lũng Silicon phiên bản Trung Quốc”, Thâm Quyến tọa lạc các nhà chức trách rất muốn hợp tác với thương mại nước ngoài. Phía thành phố Quảng Châu lên kế hoạch xây dựng một trung tâm kiểm dịch với sức chứa 5.000 người nhằm giảm bớt gánh nặng cho các khách sạn, hy vọng sẽ cho phép nhiều người nước ngoài tới Trung Quốc hơn. Tuy nhiên bất kỳ các kế hoạch mở cửa trở lại nào sẽ phụ thuộc một phần vào các điều kiện ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc.

Nhà dịch tễ học Zhong Nanshan cho biết: “Nếu đại dịch không được kiểm soát tốt ở các nước khác thì sẽ chẳng thể nào mở cửa biên giới”. Đây là một đòn giáng mạnh đối với Thâm Quyến đã xây dựng một nền kinh tế quốc tế và được Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi là “thành phố khởi nghiệp”, “thành phố kiểu mẫu” của đất nước.

Sabrina Qi đã mở quán bar Gecko vào tháng 12 ở khu Shekou, Thâm Quyến, là nơi vốn được đông đảo người nước ngoài yêu thích, chia sẻ: “Đã có nhiều người nước ngoài rời đi. Tôi đã lỗ trong sáu tháng đầu tiên”. Bên kia đường là một nhà hàng Ấn Độ đóng cửa từ lâu, cạnh đó là một quán bar tên Ailen dán đầy những cáo trạng tranh chấp lao động với nhân viên không được trả lương.

Các lãnh sự quán nước ngoài đã có nhiều nỗ lực đưa các đoàn doanh nghiệp đến Thâm Quyến, phần lớn công việc phải thực hiện trực tuyến và tập trung vào giúp đỡ các công ty quốc tế đã có mặt ở Trung Quốc. Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Châu Âu vào tháng 6 cho thấy các hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến gần 3/4 số người được hỏi. Nhiều người trong số này trả lời rằng họ từ bỏ việc quay trở lại Trung Quốc.

Francis Bea, người sáng lập công ty tiếp thị xuyên biên giới Eleven International đang làm việc tại Trung Quốc chuẩn bọ nộp đơn xin lại thị thực lạc quan hơn. Anh cho hay các khách hàng trong lĩnh vực công nghệ đang thúc giục anh quay trở lại. Bea cho biết: “Tôi đang chuẩn bị các phương án thay thế để quay lại vì tôi biết cơ hội là 50-50”.

TL