Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) lập và thực hiện phương án đảm bảo cung ứng điện trong các ngày lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2024.
Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với NSMO bố trí phương thức vận hành nguồn, lưới điện hợp lý đảm bảo an toàn, ổn định, tin cậy và liên tục trong điều kiện bình thường và linh hoạt chuyển đổi trong tình huống sự cố.
Ưu tiên đảm bảo điện tại các địa điểm diễn ra các hoạt động chính trị, văn hoá của các địa phương nhân dịp lễ kỷ niệm Quốc khánh; không thực hiện cắt điện làm mất điện khách hàng trong ngày lễ kỷ niệm Quốc khánh năm 2024 (từ 0h00 ngày 31/8/2024 đến 24h00 ngày 03/9/2024), trừ trường hợp xử lý sự cố.
Đồng thời bố trí lực lượng ứng trực, vật tư thiết bị dự phòng, nhiên liệu, hệ thống thông tin liên lạc và phương tiện đi lại để đảm bảo kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố.
EVN cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các khiếm khuyết của thiết bị nguồn, lưới điện, đảm bảo an toàn hành lang tuyến dây. Phối hợp với các cấp chính quyền, công an, quân đội tại địa phương rà soát, xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ cho các công trình điện và địa điểm điều hành lưới điện.
EVN yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tăng cường kiểm tra, rà soát hành lang lưới điện, phòng tránh các sự cố do vi phạm hành lang lưới điện; vận hành an toàn, ổn định, tin cậy lưới điện truyền tải.
Đối với các tổng công ty điện lực, cần chỉ đạo các công ty điện lực chủ động làm việc với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nắm bắt thời gian, địa điểm cần đảm bảo cung cấp điện ổn định và thực hiện tốt công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng trong thời gian nghỉ lễ.
Các tổng công ty phát điện và các công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn cần cập nhật, bám sát tình hình thời tiết, thủy văn, lưu lượng nước về để đảm bảo vận hành an toàn đập, công trình thủy điện, tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ. Trong trường hợp xả nước các hồ thủy điện, phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thông báo cho người dân khu vực hạ du; phối với các đơn vị cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) để đảm bảo đủ nhiên liệu cho vận hành các nhà máy nhiệt điện.
Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hệ thống đường truyền để vận hành an toàn hệ thống điện và mạng máy tính hoạt động tốt, tổ chức ứng trực 24/24h phục vụ công tác điều hành của Tập đoàn.
Trước, trong và sau dịp Lễ Quốc khánh, các đơn vị cần thực hiện báo cáo hàng ngày theo quy định.
Các Tổng công Điện lực hạn chế thực hiện các công tác bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện gây ảnh hưởng cung cấp điện trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ lễ. Thực hiện chế độ trực vận hành để kịp thời xử lý các sự cố lưới điện phân phối có thể xảy ra, trong trường hợp cần thiết để đảm bảo cung cấp để có thể tái lập ca trực vận hành tại các trạm biến áp không người trực trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9.
Cục Điều tiết điện lực cũng yêu cầu các đơn thông báo bằng văn bản về lịch trực vận hành, số điện thoại liên lạc (bao gồm cả số điện thoại di dộng) của lãnh đạo đơn vị được giao đầu mối xử lý chung về cung cấp điện trong kỳ nghỉ Lễ về Cục Điều tiết điện lực trước ngày 25/8/2024 để liên lạc khi cần thiết. Hàng ngày (từ ngày 31/8 - 3/9), gửi báo cáo tình hình đảm bảo cung ứng điện trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ Lễ về Cục Điều tiết điện lực qua đường thư điện tử.
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống của EVN 6 tháng đầu năm 2024 đạt 151,74 tỷ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu phụ tải, mức tiêu thụ điện cao nhất trong 6 tháng đầu năm đều diễn ra trong tháng 6/2024. Cụ thể, sản lượng điện tiêu thụ ngày lớn nhất (ngày 14/6) đạt 1,02 tỷ kWh và công suất lớn nhất đạt 49.533 MW (ngày 19/6) tương ứng tăng 11,05% và 7,87% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù vậy, doanh thu từ hoạt động kinh doanh điện của EVN lại đối mặt với nhiều thách thức do sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, EVN lỗ khoảng 13.000 tỷ đồng, giảm so với mức cùng kỳ (âm 15.000 - 16.000 tỷ đồng).
Điều này đặt ra yêu cầu EVN cần phải tiếp tục tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và quản lý chi phí để đảm bảo duy trì lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn.
Phương Anh