Thúc đẩy thanh toán số: Vấn đề ở chính sách giá và quản trị rủi ro

13:20 14/04/2022

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã đặt các ngân hàng thương mại vào tình huống buộc phải cạnh tranh, thúc đẩy công nghệ trong thanh toán.

Tại tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch” được tổ chức vào ngày 13/4 dưới sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các chuyên gia đã nhận định, trong vòng 2 năm qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp vô tình thúc đẩy và khiến ngân hàng quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp cho thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng quan trọng hơn, điều này có được là nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi cùng việc xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ phù hợp.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho hay, thời gian qua, Napas đã chú trọng phát triển thẻ chip đa ứng dụng, tức là trên một con chip vừa có thể chạy ứng dụng của ngân hàng vừa chạy ứng dụng của các lĩnh vực khác như giao thông, y tế, bảo hiểm. Napas cũng tiếp tục phối hợp đối tác triển khai dịch vụ thanh toán chuyển tiền qua mã VietQR.

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trên thế giới
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trên thế giới.

Cùng với đó, Napas luôn ưu tiên nhiệm vụ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch công. Nên trong thời tới, Napas sẽ tiếp tục kết nối cơ sở dữ liệu, hệ thống của các cơ quan nhà nước như thuế, kho bạc, hải quan… để thúc đẩy thanh toán qua các ngân hàng.

Đại diện Napas cũng cho biết, năm 2021, Napas đã miễn 1.200 tỷ đồng phí cho các ngân hàng, miễn giảm phí cho tất cả các giao dịch dưới 500.000 đồng. Nhờ vậy, hiện nay đã có trên 90% ngân hàng đã cam kết miễn phí giao dịch cho khách hàng.

Về phía ngân hàng, bà Phạm Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm sản phẩm, Khối Ngân hàng số của MB cho hay, MB đã đưa một số sản phẩm của MB lên ứng dụng MB Bank. Hơn nữa, để triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, ngoài việc tiếp tục phát triển các sản phẩm liên quan đến ngân hàng, MB còn mở rộng đến các sản phẩm không quá liên quan đến ngân hàng giúp đa dạng khả năng giao dịch, thúc đẩy các giao dịch trên kênh số.

Đặc biệt, theo đại diện đến từ MB, nếu như trước kia, phải mất 3-4 tháng thì ngân hàng mới ra sản phẩm nhưng không đáp ứng nhu cầu khách hàng, thì nay, ngân hàng đã phải thay đổi bằng cách đưa ra nhiều sản phẩm mới, liên tục sửa đổi nhằm đáp ứng chính xác nhu cầu của khách hàng.

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Hà, Phó giám đốc Trung tâm thẻ của Agribank cho biết, khách hàng khi thanh toán qua thẻ của Agribank không phải trả bất cứ chi phí nào. Các dịch vụ còn được giao dịch 24/7 và hạn mức lớn đến 3 tỷ đồng. Điều này đã giúp điện thoại thông minh giống như một “ngân hàng thu nhỏ”.

Nói về các giải pháp khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn trong các hoạt động thanh toán số, theo ông Lê Thanh Hà, đại diện Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng, vấn đề căn bản là chính sách giá và quản trị rủi ro. Thành công và hiệu ứng sâu là “đại tiệc phí 0 đồng” được các ngân hàng đồng loạt đưa ra thời gian gần đây. Hơn nữa, các chuẩn mực về bảo mật cũng đã được các ngân hàng Việt Nam áp dụng theo chuẩn quốc tế. Để phát triển thị trường thanh toán lành mạnh thì công tác phòng rủi ro, an toàn, bảo mật phải được đặt lên hàng đầu.

Cũng về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng, Đại học kinh tế Quốc dân nhận định, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của thế giới, tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt. Nhưng Đề án về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2015-2020 vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra nên đề án mới trong giai đoạn 2021-2025 cần được NHNN đưa ra với nhiều phương án để triển khai mạnh mẽ. Ngoài ra, sự phát triển như vũ bão trong công nghệ đang đặt các ngân hàng thương mại vào tình huống buộc phải cạnh tranh, buộc phải thay đổi để thích hợp với thời đại.

 Theo TCHQ