Thị trường xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục sôi động

22:35 21/03/2022

Hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt hơn 974.000 tấn, với kim ngạch hơn 469 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 31% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021 đạt hơn 6,2 triệu tấn; kim ngạch đạt hơn 3,2 tỷ USD; giá xuất khẩu (XK) bình quân hơn 526 USD/tấn; giảm 0,19% về lượng, tăng 5,3% về trị giá và tăng hơn 27 USD/tấn về giá XK so với năm 2020.

Philippines tiếp tục là thị trường số 1 của XK gạo Việt Nam trong năm 2021 khi chiếm hơn 39% thị phần, đạt hơn 2,4 triệu tấn, tăng hơn 10% so với năm 2020.

Thị trường xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục sôi động
Thị trường xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục sôi động.

Về chủng loại gạo XK, năm 2021, Việt Nam XK nhiều nhất là gạo Đài Thơm 8 với 1,17 triệu tấn, chiếm 18,78% tổng lượng gạo XK. Tiếp đến là gạo 5% tấm (1,15 triệu tấn, chiếm 18,57%); gạo OM5451; nếp; Jasmine; gạo Nhật; tấm nếp; tấm thơm; các loại gạo thơm khác…

Hai tháng đầu năm 2022, XK gạo Việt Nam đạt hơn 974.000 tấn, với kim ngạch hơn 469 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 31% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường tiêu thụ, với tình hình dịch COVID-19 chưa có tín hiệu lạc quan, dự báo các nước châu Á sẽ duy trì mức độ nhập khẩu tương đương năm 2021.

Riêng thị trường Trung Quốc, với đặc thù tích trữ lương thực, có khả năng nước này sẽ duy trì mức độ nhập khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia tỷ dân của mình.

Một số thị trường mới nổi cũng được dự báo sẽ tăng cường nhập khẩu gạo trong năm nay như Bangladesh, Iran, Sri Lanka… Thị trường châu Âu cũng được dự báo sôi động hơn trong thời gian tới nhờ các hiệp định thương mại tự do, trong khi thị trường châu Phi sẽ vẫn ổn định…

Về chủng loại, cơ cấu gạo XK của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục đà chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn như mục tiêu chung đã đề ra trong những năm gần đây.

PV