Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, chỉ số MXV-Index giảm không đáng kể trong ngày giao dịch 20/8, đóng cửa ở mức 2.119 điểm. Trong khi giá nhiều mặt hàng nhóm nông sản, kim loại và nguyên liệu công nghiệp phục hồi và bật tăng thì toàn bộ thị trường năng lượng lại chìm trong sắc đỏ. Diễn biến giằng co trong ngày giao dịch hôm qua cho thấy tâm lý các nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng.
Thị trường năng lượng vẫn đỏ lửa
Giá dầu tiếp tục lao dốc xuống sát đáy trong hai tuần do lo ngại về nguồn cung ở Trung Đông được xoa dịu sau khi Israel chấp nhận đề xuất giải quyết những bất đồng ngăn chặn thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Ngoài ra sự suy yếu của nền kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu nhiên liệu.
Chốt phiên, giá dầu WTI ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp với 0,4% về 74,04 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,6% về mức 77,2 USD/thùng.
Mặc dù xung đột vẫn diễn ra giữa Israel và Hamas, tuy nhiên những tín hiệu tích cực trong các cuộc đối thoại các bên đã xoa dịu đi rủi ro trên thị trường. Hơn nữa, mặc dù Iran vẫn bày tỏ quan điểm cứng rắn trong vấn đề trả đũa Israel sau vụ việc một quan chức cấp cao nước này bị thiệt mạng nhưng đến nay đang dần lắng xuống. Điều này khiến thị trường đánh giá thấp hơn khả năng lan rộng của cuộc xung đột.
Một yếu tố khác cũng gây áp lực lên thị trường, Iraq một trong những quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới cho biết, họ đã đạt được thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với tập đoàn năng lượng khổng lồ BP để phát triển bốn mỏ dầu và khí đốt ở Kirkuk, miền Bắc Iraq. Các thỏa thuận như trên có thể sẽ thúc đẩy mục tiêu nâng khả năng sản xuất của thành viên OPEC lên 5 triệu thùng/ngày nhanh hơn. Thêm vào đó, thỏa thuận mới sẽ là tiền đề để Iraq dần khôi phục lại hoạt động sản xuất khoảng 600.000 thùng/ngày tại khu vực phía Bắc vốn đã bị đình chỉ từ năm ngoái do tranh chấp với chính quyền khu vực người Kurd.
Về phía Saudi Arabia, dưới áp lực tiêu thụ đến từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, xuất khẩu dầu thô trong tháng 6 của nước này giảm xuống 6,047 triệu thùng/ngày từ mức 6,118 triệu thùng/ngày trước đó, theo Dữ liệu Chung của các Tổ chức (JODI).
Giá cà phê nối dài chuỗi tăng sang phiên thứ 5 liên tiếp
Ngược lại với diễn biến của thị trường năng lượng, lực mua chiếm áp đảo trên thị trường cà phê trong ngày giao dịch hôm qua. Lo ngại về điều kiện thời tiết tại vùng sản xuất chính của Brazil và nguồn cung đang eo hẹp tại Việt Nam đã tiếp đà tăng cho giá cà phê sang phiên thứ 5 liên tiếp. Đóng cửa ngày hôm qua, giá cà phê Arabica hợp đồng tháng 12 tăng 1,7%; giá cà phê Robusta hợp đồng tháng 11 tăng 3,2% và giá cà phê Robusta hợp đồng liên tục xác lập mức kỷ lục mới tại gần 4.900 USD/tấn.
Một số doanh nghiệp cho biết, hoạt động xuất khẩu cà phê tại Việt Nam vẫn chậm trong bối cảnh nguồn cung trong nước còn quá ít. Hơn thế, nông dân tại Indonesia, quốc gia sản xuất Robusta lớn thứ ba thế giới đang có xu hướng găm cà phê để chờ giá cao hơn. Điều này có thể khiến tình trạng thâm hụt nguồn cung trên thị trường trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, nông dân Brazil đứng trước lo ngại kép về tình hình thời tiết đang tác động xấu lên vụ cà phê 2025-2026. Một mặt lo ngại về sương giá có thể trở lại với những đợt không khí lạnh vào cuối tháng 8. Mặt khác, thời tiết khô hạn dai dẳng ở các vùng cà phê Arabica đang làm dấy lên lo ngại về tiềm năng năng suất của vụ mùa tiếp theo, đặc biệt là nếu mưa bị chậm lại.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (21/8), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ diễn biến đồng pha với giá thế giới khi tăng 300 đồng/kg so với hôm qua, hiện dao động trong khoảng 117.900 - 118.700 đồng/kg.
Tuyết Mai (nguồn MXV)