Thêm một cuộc khủng hoảng ngành bán lẻ

16:48 08/07/2021

Cuộc khủng hoảng lao động đã đặt ra một thách thức lớn cho ngành bán lẻ.

Điều đáng lo ngại nhất là tình trạng thiếu lao động sẽ trở nên tồi tệ hơn trong kỳ nghỉ lễ quan trọng sắp tới. Hiện tại, Bộ Lao động Hoa Kỳ ước tính có khoảng 965.000 việc làm trong ngành. Các nhà bán lẻ đang lo lắng và hành động ngay lập tức nhằm thúc đẩy đội ngũ làm việc. Dưới đây là một số ví dụ cách các cửa hàng tháo gỡ khó khăn và hình thành một loạt các chiến lược trên tất cả loại hình bán lẻ.

Thương hiệu Kohl’s đã thông báo rằng các đối tác, nhân lực trên từng cơ sở, trung tâm phân phối và trung tâm thương mại điện tử sẽ đủ điều kiện nhận khoản tiền thưởng từ 100 đến 400 đô la nếu đồng ý ở lại và làm việc cho Kohl’s trong kỳ nghỉ lễ. Quyết định trên nhằm khắc phục tình trạng nhân viên nhảy việc. Michelle Gass, Giám đốc điều hành của Kohl’s, cho biết: “Trong mùa mua sắm bận rộn nhất trong năm, chúng tôi cần nhân lực và tất nhiên sẽ ghi nhận đóng góp của họ. Dịp nghỉ lễ luôn là lúc Kohl’s hoạt động tốt nhất và chúng tôi rất biết ơn tất cả các cộng sự của mình, những người đã mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho hàng triệu khách hàng trên khắp đất nước cả trong các cửa hàng và thông qua nền tảng kỹ thuật số”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

DSW, chuỗi cửa hàng giày giảm giá, đang thử nghiệm tính năng tự kiểm hàng tự động như một phản ứng trước tình trạng thiếu lao động. Thương hiệu này bắt đầu thực hiện chiến lược trong thời kỳ đại dịch nhằm đối phó với những thách thức tuyển dụng. Theo Chain Store Age, nhiều công ty bán lẻ đã tăng lương và phúc lợi cho nhân viên. Chẳng hạn như Denny’s cung cấp bữa sáng cho những ai ứng tuyển làm việc trên website.

Đáng chú ý nhất là Target Stores cho biết, họ không gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, nhưng công ty đã tăng mức lương tối thiểu vào năm ngoái lên 15,00 đô la và mở rộng phúc lợi sức khỏe cho nhân viên. Chuỗi nhượng quyền 7-Eleven với hơn 7200 cửa hàng đại diện trên khắp nước Mỹ đã cảnh báo về tình trạng thiếu nguồn cung lao động và việc kinh doanh 24/7 trở nên bất khả thi.

Sự thật là các nhà bán lẻ luôn cần được trợ giúp nhiều hơn trong giai đoạn bán hàng dip Giáng sinh quan trọng, và năm nay cũng không ngoại lệ. Ngay cả khi đại dịch vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, các cửa hàng vẫn cần lượng lớn nhân viên chạy việc vì năm nay, người mua sắm sẽ cố gắng tránh xếp hàng dài và tiếp xúc không cần thiết. Như vậy, cửa hàng sẽ phải xây dựng đội ngũ nhân viên và bắt đầu đào tạo ngay từ bây giờ để có một đội ngũ sẵn sàng phục vụ.

Có rất nhiều cách để khắc phục tình trạng trước mắt như áp dụng công nghệ quy trình tự động hay đưa ra các ưu đãi về giá cả không chỉ giảm bớt gánh nặng nhân công mà còn kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, ngành bán lẻ đang trong giai đoạn khủng hoảng, tình trạng thiếu lao động thực sự đáng báo động. Ngành công nghiệp phải đáp ứng thách thức để duy trì dịch vụ cũng như cơ hội tồn tại của chính doanh nghiệp.

TL