Ả Rập Xê Út có nhu cầu rất lớn với mặt hàng nông sản, thực phẩm. Cụ thể, với mặt hàng gạo, Ả Rập Xê Út nhập khẩu khoảng 1,7 triệu tấn/năm, trong khi Việt Nam mới xuất khẩu khoảng 32.000 tấn, chủ yếu là gạo Jasmine phục vụ cho người châu Á. Một số nhà nhập khẩu Ả Rập Xê Út phải mua gạo Việt Nam qua đối tác Thái Lan, bị đội chi phí nên có xu hướng tìm nhà cung cấp trực tiếp từ Việt Nam.
Mặt hàng củ, quả tươi, Ả Rập Xê Út nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Nam Phi, Australia… và một phần nhỏ từ Việt Nam theo đường hàng không. Tuy nhiên, do công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam chưa cao, khi đưa vào hệ thống tiêu thụ, mẫu mã không đẹp bằng những sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ các thị trường khác. Ngoài ra, các mặt hàng khác như hạt tiêu, nhục đậu khấu, hạt điều, cà phê hòa tan đóng hộp, cà phê chưa rang xay cũng có nhu cầu lớn tại thị trường Ả Rập Xê Út.
Với thủy sản, người dân Ả Rập Xê Út ưa chuộng hải sản tươi như tôm, cá mực, cá ngừ đóng hộp, loại hàng hóa này đang được nhập khẩu từ nhiều nước. Riêng Việt Nam, hiện, mới có 12 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Hiện 6 tháng sau khi Ả Rập Xê Út tháo dỡ lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, 12 doanh nghiệp đã xuất khẩu tới 19 triệu USD giá trị hàng hóa, phản ánh tiềm năng cho xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào Ả Rập Xê Út rất lớn, đáng được đầu tư khai thác. Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi hồ sơ đề nghị cung cấp giấy phép xuất khẩu cho 25 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Kỳ vọng, sau khi được đánh giá và chấp nhận, thị phần của thủy sản Việt Nam tại Ả Rập Xê Út sẽ tăng cao.
Mặc dù Ả Rập Xê Út còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản Việt Nam khai thác, tuy nhiên, một số rào cản đang níu chân doanh nghiệp. Chi phí vận tải từ Việt Nam sang Ả Rập Xê Út tăng cao là "nút thắt" lớn, theo tính toán, cước vận chuyển là một trong những yếu tố khiến giá gạo Việt Nam tăng thêm 250 USD/tấn, từ 595 USD/tấn tăng lên 840 USD/tấn. Tương tự, giá mặt hàng củ, quả cũng tăng thêm 9,9 USD/kg. Tìm giải pháp tháo gỡ "nút thắt" trên là điều cần thiết giúp cân bằng thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt trên thị trường Ả Rập Xê Út.
Doanh nghiệp trong nước cần đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và quy định nhãn mác đóng gói khi xuất khẩu hàng hóa sang Ả Rập Xê Út. Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Ả Rập Xê Út (SFDA) ban hành và quy định các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, kiểm tra việc tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tước giấy phép kinh doanh, phạt tiền, thậm chí phạt tù, tất cả hàng vi phạm đều bị tiêu hủy…
Hiện, Việt Nam chưa có thương hiệu sản phẩm tại Ả Rập Xê Út, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường đều dưới tên thương hiệu khác. Về lâu dài, doanh nghiệp nên cân nhắc, lựa chọn sản phẩm để xây dựng thương hiệu, thăm dò thị trường và tạo nhận diện cho .
Minh Châu