Bài liên quan |
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản |
Khai mạc Triển lãm Công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản: Cơ hội thiết thực cho doanh nghiệp |
Ngày 27/5/2025, tại Osaka, Nhật Bản, Hội nghị giao thương Hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản đã được tổ chức với sự phối hợp của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka và chính quyền thành phố Osaka. Sự kiện thu hút đông đảo đại biểu, doanh nghiệp từ cả hai quốc gia tham dự, phản ánh mối quan tâm sâu sắc tới việc mở rộng hợp tác kinh tế song phương trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – nhấn mạnh: mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2024 đạt hơn 46 tỷ USD – tăng gần 3% so với năm trước.
Đặc biệt, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đã đạt 8,5 tỷ USD, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ; nhập khẩu từ Nhật Bản cũng đạt 7,9 tỷ USD, tăng 6,5%. Những con số tích cực này cho thấy tiềm năng mở rộng hợp tác song phương còn rất lớn.
![]() |
Tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản hợp tác sâu rộng |
Tuy nhiên, một trong những nút thắt mà cộng đồng doanh nghiệp hai bên đang đối mặt chính là các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, hải quan, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định nhập khẩu. Đại diện phía doanh nghiệp Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa để tạo thuận lợi trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực có tiềm năng lớn như nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất linh kiện, thực phẩm chế biến, logistic,…
Tại hội nghị, ông Bùi Quang Hưng cho biết, Việt Nam đang tích cực phối hợp với phía Nhật Bản trong việc tháo gỡ những rào cản kỹ thuật, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường năng lực hỗ trợ doanh nghiệp. Cục Xúc tiến thương mại đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình kết nối giao thương, tư vấn pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp hai nước nắm bắt cơ hội, triển khai các dự án hợp tác một cách hiệu quả và bền vững.
Điển hình tại hội nghị lần này, 28 doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu hàng loạt sản phẩm nông sản, thực phẩm, linh kiện cơ khí, điện tử, hàng gia dụng,... với đối tác Nhật Bản. Trong đó, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được hỗ trợ nhanh chóng hơn trong quy trình cấp phép, kiểm định chất lượng để kịp thời đưa sản phẩm tiếp cận thị trường Nhật – vốn nổi tiếng khắt khe về tiêu chuẩn.
Bà Quyền Thị Thúy Hà – Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka – nhận định: Nhật Bản là thị trường trọng điểm đối với nông sản Việt Nam. Việc mở rộng cửa thị trường không thể tách rời cải cách thể chế và nâng cao năng lực thực thi chính sách tại Việt Nam. Hiện nay, nhiều sản phẩm nông sản chế biến, trái cây tươi và thủy sản đã bắt đầu có chỗ đứng tại Nhật Bản nhờ cải tiến về chất lượng và bao bì. Nhưng để khai thác tốt hơn nữa thị trường này, điều cốt yếu vẫn là phải đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình xử lý các thủ tục hành chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực hải quan, kiểm dịch, và đăng ký sản phẩm.
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với nhiều biến động, việc tạo dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và hiệu quả sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt – Nhật cùng nhau phát triển dài hạn, bền vững. Đây cũng là bước đi chiến lược để hiện thực hóa các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà hai nước cùng là thành viên như CPTPP, VJFTA hay AJCEP.