Thanh Hóa: Sơ kết phát triển cây gai xanh nguyên liệu năm 2021

09:13 28/12/2021

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Công y CP Nông nghiệp An Phước tổ chức hội nghị sơ kết về phát triển cây gai xanh nguyên liệu năm 2021 và triển khai kế hoạch phát triển năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thanh Hóa hiện có hơn 460 ha trồng cây gai xanh, đạt gần 80% kế hoạch. Cây gai xanh được trồng tập trung ở các huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc... Sản phẩm gai xanh được Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước đóng trên địa bàn xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) bao tiêu làm nguyên liệu phục vụ chế biến sợi dệt, góp phần tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.

Thanh Hoá phấn đấu phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh đạt 1460ha trong thời gian tới
Thanh Hoá phấn đấu phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh đạt 1460ha trong thời gian tới. (Ảnh: Phương Nam)

Tại hội nghị sơ kết, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đã được và những khó khăn cần khắc phục để hoàn thành mục tiêu phát triển diện tích trồng mới cây gai xanh nguyên liệu. Trong đó, tập trung rà soát, giao chỉ tiêu cho các địa phương, tổ chức sản xuất và cung ứng giống; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu gai xanh của tỉnh và công ty. Huy động nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng trồng cây gai xanh nguyên liệu tập trung…

Hiện nay, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất gai xanh với quy mô khá lớn (từ 3 ha trở lên) như tại huyện Cẩm Thủy, Hoằng Hóa, Thạch Thành...Đòng thời các hộ cũng đầu tư hệ thống máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến vỏ gai, ứng dụng khá tốt kỹ thuật thâm canh cây gai xanh. Tại một số địa phương có diện tích trồng gai xanh tập trung, được đầu tư thâm canh, giá trị, hiệu quả sản xuất cây gai đạt khá cao, lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha/năm với gai trồng năm đầu và từ 80 triệu đồng/ha trở lên đối với gai từ năm thứ 2, cao hơn so với các cây trồng trên cùng chân đất như sắn, cây keo, cây mía từ 20-50 triệu đồng/ha.

Phát huy kết quả đã đạt được, Thanh Hóa phấn đấu phát triển tổng diện tích cây gai xanh nguyên liệu đạt 1.460 ha, trong đó diện tích gai lưu gốc là 460 ha; diện tích gai trồng mới là 1.000 ha, tập trung tại các huyện Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, Như Xuân, Bá Thước, Mường Lát, Như Thanh... Năng suất bình quân 0,8 tấn/ha đối với cây gai lưu gốc, 0,6 tấn/ha đối với gai trồng mới. Tổng sản lượng vỏ gai khô đạt trên 900 tấn. 

Vỏ cây gai xanh được thu mua về nhà máy An Phước
Vỏ cây gai xanh được thu mua về nhà máy An Phước. (Ảnh: Mai Ngọc)

Được biết, để phát triển ổn định vùng nguyên liệu cây gai xanh, Thanh Hóa đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023; Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân trồng cây gai xanh làm nguyên liệu sản xuất sợi dệt trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/1 ha để chuyển đổi từ trồng cây lâu năm kém hiệu qua sang trồng cây gai xanh nguyên liệu; 50% chi phí mua giống cây gai xanh; hỗ trợ chi phí mua máy tước vỏ cây gai xanh với mức 5 triệu đồng/1máy. Mức hỗ trợ sẽ được áp dụng với từng đối tượng cụ thể và theo quy mô diện tích khác nhau. Thời gian thực hiện chính sách từ ngày 1-1-2021 đến hết ngày 31-12-2023. Sản phẩm sợi chế biến từ cây gai xanh của Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước được xuất khẩu đi các nước Châu Âu phục vụ cho công nghiệp dệt may.

Ngọc Lâm