Thanh Hóa: Nhiều vấn đề “nóng” được doanh nghiệp đề nghị tháo gỡ

13:49 31/03/2023

Trước rất nhiều những khó khăn, rào cản khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản, nợ nần chồng chất, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023.

Hội nghị gặp gỡ Doanh nghiệp năm 2023
Hội nghị gặp gỡ Doanh nghiệp năm 2023.

Hội nghị có sự tham gia của các lãnh đạo tỉnh, giám đốc các sở ban ngành, chủ tịch các huyện, thị, thành phố cùng 300 doanh nghiệp đại diện cho 27 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa. Ngoài các cuộc gặp mặt định kỳ hằng tháng theo lịch đối với một số doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc đột xuất, đây là lần đầu tiên sau 3 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, UBND tỉnh Thanh Hóa mới tổ chức gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp với quy mô lớn.

 Với chủ đề: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, hội nghị lần này được các doanh nghiệp đánh giá cao bởi nó diễn ra trong thời điểm doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Rất nhiều “nút thắt” doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị như: Việc áp dụng quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới khiến nhiều DN chưa kịp thích ứng và những vướng mắc trong lộ trình khắc phục; lãi suất vẫn đang ở mặt bằng cao, việc tiếp cận nguồn vốn ở một số lĩnh vực khó khăn do thủ tục thẩm định khắt khe, đặc biệt là các lĩnh vực như bất động sản, du lịch; nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng và giao thông gặp khó về nguồn cung, giá cả biến động thất thường khó lường; khó khăn trong tiếp cận đất; bất hợp lý trong tính toán mức thuế ở một số lĩnh vực…

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì hội nghị
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì hội nghị.

Liên quan đến vấn đề PCCC, ông Trần Quốc Trường, Chi hội phó Chi hội DN Khu công nghiệp (KCN) Đình Hương - Tây Bắc Ga kiến nghị UBND tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng và có phương án cải tạo, nâng cấp hạ tầng PCCC bảo đảm đồng bộ và phù hợp với quy mô sản xuất tại KCN Tây Bắc Ga, hạn chế chi phí đầu tư hạ tầng PCCC nội bộ và tạo điều kiện cho DN yên tâm sản xuất; sớm xem xét, phê duyệt, ban hành quy hoạch điều chỉnh chi tiết KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga và chỉ đạo các sở, ngành, tạo thuận lợi cho DN đồng bộ các thủ tục về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với chủ trương đầu tư và các thủ tục hồ sơ liên quan để thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC. Bên cạnh đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương xem xét, trên cơ sở phân loại nhóm nguy cơ cháy nổ để giãn lộ trình thực hiện một số quy định, tạo điều kiện cho DN khắc phục.

Ông Trịnh Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, kiến nghị: Tỉnh Thanh Hoá cần vào cuộc quyết liệt hơn trong vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) và lập quy hoạch sử dụng đất đồng bộ, đi trước một bước để tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư, xây dựng dự án.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa phát biểu
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa phát biểu.

Điển hình như hiện nay, công ty đang triển khai một số dự án tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và đang gặp một số khó khăn trở ngại cần phải được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Cụ thể, công tác GPMB là khâu quyết định đến tiến độ dự án, nên công ty kiến nghị khi có các khiếu kiện, khiếu nại về chính sách hỗ trợ GPMB, cần phải có các giải pháp linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của dự án.

Các trường hợp tương tự đã được giải quyết bằng các chính sách ở các dự án khác rồi thì nên cho áp dụng tương tự không tổ chức họp nhiều lần. Nếu bắt buộc phải tổ chức hội nghị nên tổ chức họp trực tuyến để rút ngắn thời gian giải quyết. Bên cạnh đó, công ty đề nghị tỉnh Thanh Hoá phải làm công tác quy hoạch đồng bộ và đi trước một bước. Hiện nay Dự án đường dây 110 kV đấu nối trạm biến áp Luyện kim 2, khi thực hiện triển khai dự án lại chưa có kế hoạch sử dụng đất năm 2023 khiến việc cấp điện để vận hành Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 bị chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Hợp Lực nhấn mạnh đến thái độ làm việc của một số sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Hợp Lực nhấn mạnh đến thái độ làm việc của một số sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Hợp Lực nhấn mạnh: “Hiện Hợp Lực có 5-6 dự án đang phải dừng lại vì các anh bắt đằng nào cũng đúng cả vì thông tư, nghị định mắc nhau. Đề nghị khi đưa ra các quy định cần có hướng tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển. Cần chính quyền vận dụng chính sách pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp, khi không lấy tiền doanh nghiệp thì chẳng có gì phải sợ, chứ không phải cứ chăm chăm bói chữ và gây khó dễ cho doanh nghiệp". 

Ông Đệ thẳng thắn chỉ rõ, nhiều sở, ban, ngành vẫn còn tình trạng nói rất hay, đọc báo cáo rất đẹp nhưng không nói thẳng, không đề xuất ra giải pháp cho lãnh đạo tỉnh. Do đó, ông Đệ đề xuất cần đổi mới nhận thức và sáng tạo của các sở, ban, ngành, đặc biệt sự sáng tạo của lãnh đạo. Ai không làm được thì cho nghỉ chứ không thể để tình trạng mỗi lần họp thì sở nọ đùn sang sở kia.

Bà Trịnh Thị Loan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ nêu kiến nghị ngành ngân hàng cần đánh giá lại tài sản thế chấp theo giá hiện hành đối với các DN cần đảo nợ, vì giá trị tài sản thế chấp (đất đai, tài sản khác) đã thay đổi rất nhiều so với đánh giá trước đây. Trong khi các ngân hàng chỉ trừ lùi khấu hao hàng năm mà chưa tính đến giá trị tài sản thế chấp cũng đang tăng giá hàng năm. Bên cạnh đó, đề nghị chính quyền làm việc với các ngân hàng để có chính sách cho DN được vay vốn với lãi suất ưu đãi (khung lãi suất thấp nhất cho phép - khung đáo hạn dài nhất) để tháo gỡ phần nào vốn vay cho DN hiện nay. Nhà nước nên quản lý và quy định mức lãi suất trần để đưa lãi suất vào khung và các ngân hàng cũng điều tiết lợi nhuận để đưa ra mức lãi suất hợp lý.

Ông Hồ Hữu Thiết, Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô taxi Thanh Hóa đề xuất ngành giao thông-vận tải lập kế hoạch và có phương án xây dựng các điểm và cắm biển đậu đỗ dừng đón trả khách cho xe taxi; xây dựng nhận diện thương hiệu màu xe taxi cho từng hãng để khách hàng dễ nhận biết khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ taxi, đồng thời thể hiện tính chuyên nghiệp phục vụ khách hàng và bảo đảm mỹ quan đô thị trên địa bàn tỉnh. Điều chỉnh thời hạn cấp phù hiệu cho xe taxi nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính cho các cơ quan quản lý Nhà nước và các DN vận tải; lập kế hoạch và phương án xử lý dứt điểm xe taxi “dù” vẫn hoạt động rất phổ biến tại các khu vực bến xe, nhà ga, các trung tâm thương mại,… gây ảnh hưởng đến các hãng taxi chính thống, không bảo đảm được quyền lợi cho khách hàng cũng như thất thu ngân sách.

Các DN cũng nêu và kiến nghị một số khó khăn liên quan tới thủ tục hành chính, hạn mức trong cấp phép khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng, giá nguyên vật liệu tăng cao và chưa được cập nhật đúng diễn biến thị trường, nhiều thủ tục hành chính trong vấn đề tiếp cận đất, giải quyết thủ tục đầu tư còn chưa kịp thời... – đang là những “rào cản” không nhỏ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN...

Đại diện cộng đồng DN, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, nhận định: Các ý kiến phát biểu của các DN đã nêu bật những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN hiện nay. Ngoài ra, hiệp hội cũng đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ chức hội, hiệp hội ngành hàng, các DN, trong đó có những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm, có những vướng mắc nếu không được giải quyết kịp thời, phù hợp, thấu đáo, thì có thể dẫn DN đến bờ vực phá sản. Vì vậy, thay mặt cho cộng đồng DN, Hiệp hội DN tỉnh đề xuất UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các kiến nghị, đặc biệt là những vướng mắc trong công tác PCCC, giá vật liệu xây dựng, về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch COVID-19, thực hiện hiệu quả Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Như Lập - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa giải đáp những vướng mắc của DN liên quan đến PCCC
Ông Lê Như Lập - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa giải đáp những vướng mắc của DN liên quan đến PCCC.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, của ngành và đã rõ hoặc những vấn đề không phù hợp với quy định của pháp luật thì giải quyết, trả lời ngay; đối với những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, cần phải thảo luận, xin ý kiến tham gia của các ngành, địa phương liên quan thì phải tập trung nghiên cứu giải quyết và có văn bản trả lời DN trước ngày 5-4, đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc pháp luật chưa quy định, thì chủ động có văn bản hoặc tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết.

Minh Hiền