Thanh Hóa: Kích cầu du lịch đúng hướng để mang lại hiệu quả phục hồi kinh tế

08:39 22/06/2021

Khi dịch bệnh Covid -19 cơ bản được kiểm soát, du lịch nội địa phục hồi trở lại, “cơn mưa giảm giá” được xem như một lợi thế cạnh tranh giữa các điểm đến, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch năm 2021, nhiều khu du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh Thanh Hóa đã đăng ký và cam kết giảm giá thành. Cụ thể: Dịch vụ cơ sở lưu trú giảm từ 10 - 50%; dịch vụ ăn uống giảm từ 10 - 13%; dịch vụ lữ hành giảm từ 10 - 40%; dịch vụ vận tải giảm từ 5 - 40%; một số khu, điểm du lịch giảm 20 - 50% giá vé tham quan, dịch vụ thuyết minh. Đặc biệt các khu, điểm du lịch cùng với các doanh nghiệp trong tỉnh chú trọng vấn đề “tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm” tạo sự chuyên nghiệp, thân thiện, mến khách từ đó thu hút khách du lịch. 

Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, du lịch phục hồi trở lại, Thanh Hóa sẽ tập trung kích cầu các thị trường trọng điểm có kết nối đường bay.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, tỉnh sẽ tập trung vào một số chương trình, hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch như: tổ chức hội nghị kích cầu du lịch “Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn” tại các địa phương có kết nối đường bay như: TP Hồ Chí Minh, Nha Trang; hội thảo chương trình kết nối 4 tỉnh Bắc miền Trung; tổ chức các chương trình ẩm thực; công bố tour du lịch mới... Đồng thời xúc tiến tổ chức, đăng cai một số sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nhằm tạo nên điểm nhấn, góp phần thu hút khách.

Bà giải thích thêm: Những kế hoạch, giải pháp mà Thanh Hóa đã đề ra không phải là riêng biệt, mà là những giải pháp đang được nhiều tỉnh, thành trong cả nước triển khai. Có khác chăng là ở mức độ, cấp độ, sự đồng bộ, quyết liệt triển khai tại mỗi địa phương... Từ đó tạo nên một “làn sóng” kích cầu không chỉ trong tỉnh mà trên phạm vi cả nước. Mặt khác để đảm bảo hoạt động kích cầu hiệu quả, cần có kịch bản kích cầu du lịch tổng thể của cả nước, từ Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam để phù hợp với đặc thù của từng loại hình du lịch, của từng địa phương trong cả nước nhằm giúp các địa phương vốn chưa có lợi thế trong việc thu hút khách du lịch cũng có thể làm tốt công tác kích cầu du lịch. Đồng thời Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch và HHDL Việt Nam cũng sẽ là “nhạc trưởng” trong việc bố trí thời gian, địa điểm tổ chức các sự kiện tại địa phương; liên kết, điều phối các nhà cung ứng dịch vụ trong cả nước, tạo ra những gói dịch vụ hấp dẫn, có tính minh bạch, đảm bảo sự tin cậy... trên cơ sở đó có chiến dịch truyền thông đồng bộ, thống nhất cả nước.

Vũ Văn Tiến