![]() |
Mưa lũ gây hư hỏng, ách tắc giao thông tại một số cung đường khu vực miền núi của Thanh Hóa |
Về sản xuất nông nghiệp và tài sản của nhân dân: Toàn tỉnh Thanh Hóa có 7 nhà bị tốc mái, hư hỏng, hàng trăm xe máy, ô tô bị hư hỏng do ngập nước; tính đến chiều ngày 22/7, toàn tỉnh có khoảng 8.000 ha lúa, hoa mầu bị ngập, chủ yếu thuộc khu vực đồng bằng; về gia súc, gia cầm: có 7 con bò, lợn, 3.050 con gà, vịt bị cuốn trôi; 7ha ao, hồ nuôi cá bị tràn ngập.
Về hệ thống đê điều: Mưa lũ đã làm sạt lở một số đoạn đê với chiều dài mỗi điểm hàng chục m; gây hư hỏng nhiều cống thủy lợi trên địa bàn một số xã của tỉnh. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động nhân lực, vật tư để khắc phục, gia cố. Đồng thời cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Chịu thiệt hại nặng nề nhất là hạ tầng giao thông, tại các tuyến quốc lộ 16, 15c, mưa lớn đã gây sạt lở ta luy dương, bồi lấp rãnh, cống trên 8 vị trí với khối lượng khoảng 20.270 m3 đất, đá. Trong đó gây tắc đường tại km77+700 trên quốc lộ 15c; gây lún, nứt mặt đường tại một điểm trên quốc lộ 15c.
Trên các tuyến đường tỉnh, nước lũ đã gây ngập tràn, tắc đường tại 14 điểm tràn, đoạn đường trên địa bàn các xã cả miền núi và miền xuôi, gồm: Thăng Bình, Quý lộc, Luận Thành, Thắng lộc, Vạn Xuân, Tân Thành, Hóa Quỳ; Hà Tân, Cẩm Tú, Tống Sơn, Quý Lương, Thạch bình, Tam Văn. Ngoài ra còn có 2 cột điện hệ thế bị đổ, 1 đò ngang bị chìm …
|
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngay từ trước khi bão sắp đổ bộ, nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các xã miền núi, vùng sâu đã chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Tại xã Trung Lý ( một trong những xã thuộc miền núi, vùng cao giáp nước bạn Lào), trong ngày 21/7, chính quyền đã tổ chức sơ tán 19 hộ dân/127 nhân khẩu tại bản Tung đến nơi an toàn. Đồng thời lên phương án sẵn sàng lương thực, thuốc men, máy móc để sơ tán thêm người dân các khu vực khác có nguy cơ mất an toàn khi tình huống nguy hiểm xảy ra.
Tại Phú Lệ, xác định nguy cơ mất an toàn do sạt lở, lũ quét có thể xảy ra đối với hàng trăm hộ dân tại bản Tê Giác và một số bản khác, UBND xã đã chuẩn bị các khu nhà hội trường văn hóa, công sở và lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế và lên phương án di dời dân đến nơi sơ tán khi tình huống xấu xảy ra. Cũng tại địa bàn miền núi, đến thời điểm hiện tại, nhiều xã vùng cao như Sơn, Thủy, Luận Thành, Tân Thành … vẫn đang bị chia cắt do nước ngập cục bộ.
Tại Phường Hạc Thành, theo thông báo của Công ty Cấp nước Thanh Hóa vào tối ngày 22/7, do mưa lớn gây mất điện, nước dâng cao gây ngập sâu tại nhà máy nước Mật Sơn, Hàm rồng đã gây gián đoạn việc cung cấp nước cho khách hàng, một số khu vực bị mất nước sinh hoạt tạm thời.
Trước, trong và sau mưa bão, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và các sở, ngành chuyên môn đã trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, xử lý nhanh nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã có công điện, chỉ đạo các địa phương, đơn vị ngay sau khi bão tan, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu úng đồng ruộng, phòng trừ dịch bệnh, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, tuyệt đối không để ai bị thiếu đói, rét, không có nơi ở sau bão. Cùng với đó, sẵn sàng các phương án đối phó với mưa lớn có thể xảy ra trong thời gian tới theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.