Thanh Hóa ban hành quy chế mới về đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh

17:59 02/10/2021

Quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 28-9-2021, được ban hành kèm theo Quyết định số 21/2021/QĐ – UBND ngày 17-9-2021 của UBND tỉnh, thay thế cho Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 9-3-2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Quy định này có nhiều điểm mới.

Thanh Hóa là một trong những địa phương có hiện tượng 'sốt đất,' tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài khiến thị trường bất động sản không được như kỳ vọng, nhiều nhà đầu bị 'hụt hơi.'

Để ngăn ngừa tình trạng nhiều người trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng chậm nộp tiền để mua đi, bán lại tạo "sốt đất ảo," Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quy chế đấu giá quyền sử dụng đất mới trên địa bàn tỉnh.

Đối với đất phân lô (thửa) cho hộ gia đình, cá nhân người trúng đấu giá đất, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải nộp 100% tiền sử dụng đất.

Trong thời hạn trên, nếu người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp tiền không đủ theo thông báo thì bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tiền đặt cọc của người trúng đấu giá đất được thu nộp vào ngân sách nhà nước.

Đối với đất đấu giá để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp giao đất và thuê đất, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, thuê đất của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất, thuê đất theo thông báo (đợt 1) và chậm nhất là 60 ngày sau người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất, thuê đất còn lại theo thông báo (đợt 2).

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng quy định đến thời điểm nộp hồ sơ tham gia đấu giá đất, người tham gia đấu giá không còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản nộp ngân sách khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng. Mặt bằng cũng phải có quy hoạch xây dựng chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó xác định rõ chức năng sử dụng đất, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan và các thông số kỹ thuật hạ tầng khác...

Trước đó, trong quý 1/2021, Thanh Hóa là một trong những địa phương có hiện tượng "sốt đất". Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài khiến thị trường bất động sản không được như kỳ vọng. Nhiều nhà đầu bị "hụt hơi," đành phải bỏ cọc, hủy giao dịch.

Tiêu biểu như tại huyện Thọ Xuân, chính quyền vừa ký quyết định hủy kết quả trúng đấu giá với 46 lô đất tại khu dân cư Đông Vũng Cao, xã Xuân Sinh do các nhà đầu tư trúng đấu giá không nộp tiền và thực hiện các thủ tục theo quy định và phải chịu mất tiền đặt cọc.

Hay như Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa cũng đã ký quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với hàng trăm lô đất cũng với lý do tương tự như ở huyện Thọ Xuân.

Theo TTXVN