Tham vọng của Starbucks khi hoạt động tại thị trường lớn Trung Quốc

16:24 06/12/2023

Gã khổng lồ trong lĩnh vực F&B Starbucks đang chứng kiến sự dịch chuyển đáng chú ý trong ngành dịch vụ thực phẩm khi điểm đến của thương hiệu này đang ưu ái Trung Quốc hơn so với thị trường Mỹ.

Ảnh minh họa

Mới đây, mạng lưới cà phê nội địa giá rẻ Luckin Coffee đã vượt qua Starbucks tại thị trường Trung Quốc, giành lấy thị phần lớn nhất tại đất nước này. Tuy nhiên, ông lớn chuỗi cà phê Mỹ không dễ dàng chấp nhận thất bại, đặc biệt khi Trung Quốc đã trở thành thị trường quan trọng không thể phủ nhận của Starbucks trong những năm gần đây.

Vào tháng 4 năm trước, Howard Schultz trở lại vị trí lãnh đạo của Starbucks lần thứ ba. Khi đó, đại dịch đang tác động đến doanh số bán hàng và giá cổ phiếu của Starbucks đã giảm sút. Trong cuộc họp với nhà đầu tư, Howard đã đảm bảo với cổ đông rằng công ty đang tiến hành đánh giá toàn diện và Starbucks vẫn sẽ là "một doanh nghiệp đang phát triển". Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho thị trường Mỹ.

Ước tính cho biết, mỗi 9 giờ, một quán cà phê Starbucks mới mở cửa ở Trung Quốc. Thành phố Thượng Hải là địa điểm có số lượng cửa hàng Starbucks nhiều nhất trên toàn cầu. Vào tháng 9 cùng năm đó, Howard - CEO của công ty đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất của Starbucks trên thế giới vào năm 2025. Trong suốt hơn 30 năm qua, gã khổng lồ cà phê có trụ sở tại Seattle đã kiên định đặt ra mục tiêu này. So với các công ty Mỹ khác như Tesla hay Apple, Starbucks đã vượt lên phía trước ở nhiều khía cạnh để chuẩn bị cho việc kinh doanh tại thị trường nội địa Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Khác biệt với các công ty chỉ tập trung vào việc xây dựng nhà máy, thuê nhân công và phát triển thị trường, Starbucks đã bước vào lĩnh vực canh tác đất đai. Từ năm 2007, họ đã thực hiện thử nghiệm trồng cà phê cùng với nông dân ở Vân Nam, Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, Starbucks đã tự xây dựng một chuỗi cung ứng nội địa của riêng mình, hợp tác với hơn 30.000 nông dân được đào tạo.

Nhà phân tích Nick Setyan từ Công ty Wedbush đã phát biểu rằng, trước đây thị trường Trung Quốc có thể đóng góp tới 10% doanh thu của Starbucks, nhưng hiện nay, ông ước tính con số này chỉ còn khoảng 5%. Để cải thiện tình hình, Starbucks đã đề ra kế hoạch đầu tư 220 triệu USD vào Trung Quốc và mục tiêu là tăng số lượng cửa hàng từ 6.000 lên 9.000 trong vòng 3 năm tới. Đồng thời, họ sẽ gia tăng số lượng nhân viên tại đây từ 60.000 lên 100.000 người. Starbucks hướng đến mục tiêu tăng lãi hoạt động tại thị trường Trung Quốc gấp 4 lần trong khoảng thời gian tương tự.

H.C (t/h)