Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp... trong xây dựng các nghị định, quyết định, thông tư để đưa các luật vào thực tiễn cuộc sống/ Nguồn ảnh: VGP/Minh Khôi |
Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh (bên phải); ông Lại Văn Hoàn, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bên trái) dự hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm triển khai các quy định mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản tại điểm cầu tỉnh Thái Bình, chiều 8/10. |
Chiều ngày 8/10, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm triển khai các quy định mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, tại điểm cầu Thái Bình lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã có mặt để tham dự và thảo luận các nội dung quan trọng.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có mối liên hệ mật thiết đến việc thúc đẩy các dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, đặc biệt trong việc phát triển thị trường bất động sản và giải quyết nhu cầu về nhà ở. Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn và ban hành các chính sách mới, các địa phương đã tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ đã cùng với các địa phương xây dựng đã ban hành đồng bộ các văn bản theo thẩm quyền 15 Nghị định và 02 Quyết định của Thủ tướng (trong đó Luật đất đai 10 Nghị định, 01 Quyết định; Luật Nhà ở 03 Nghị định, 01 Quyết định; Luật Kinh doanh bất động sản 02 Nghị định; nếu tính cả Nghị định sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP có hướng dẫn điều 248 Luật đất đai thì chúng ta đã hoàn thành 16 Nghị định); không có thông tư nào bị chậm ban hành.
Tại Thái Bình, UBND tỉnh đã ban hành 5 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, bao gồm một văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai và bốn văn bản liên quan đến giá đất, đơn giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Ngoài ra, tỉnh cũng đã hoàn thiện 4 văn bản đang trình cơ quan tư pháp thẩm định và triển khai xây dựng thêm 7 văn bản thuộc thẩm quyền.
Thái Bình đẩy mạnh thực thi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản |
Cụ thể, gần đây nhất, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định số 33/2024/QĐ-UBND ngày 30/9/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các điều kiện tách thửa, hợp thửa đất (theo khoản 4 Điều 220 Luật Đất đai) bao gồm: đảm bảo các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3 của Điều 220 Luật Đất đai; thửa đất đề nghị tách hoặc hợp thửa chưa có thông báo thu hồi đất hoặc thông báo thu hồi đã hết hiệu lực. Việc tách hoặc hợp thửa phải phù hợp với quy hoạch hiện có và được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Đối với đất ở được giao thông qua đấu giá hoặc không qua chuyển đổi mục đích sử dụng, người sử dụng đất có thể hợp thửa theo nhu cầu mà không cần phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Về điều kiện tách thửa đất ở, thửa đất sau khi tách phải đáp ứng quy định về diện tích và kích thước tại Điều 9 và không phải là thửa đất đã được chuyển mục đích sử dụng từ đất khác sang đất ở, ngoại trừ trường hợp chuyển đổi từ đất nông nghiệp cùng với nhà ở.
Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư, ngoài các điều kiện chung, thửa đất sau khi tách phải đảm bảo diện tích và kích thước theo quy định. Đất nông nghiệp ngoài khu dân cư chỉ được tách thửa khi phù hợp với quy hoạch vùng sản xuất hoặc dự án đã được phê duyệt.
Đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, điều kiện tách thửa yêu cầu dự án đầu tư đã được phê duyệt. Quy định này không áp dụng cho trường hợp hiến đất cho Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư hoặc xây dựng nhà tình thương.
Diện tích tối thiểu để tách thửa cũng được quy định rõ: đất ở tại đô thị là 30 m², với bề rộng mặt tiền và chiều sâu tối thiểu 3m; đất ở nông thôn là 40 m², với bề rộng và chiều sâu tối thiểu 4m. Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư, nếu tách cùng đất ở thì diện tích và kích thước tối thiểu tuân theo quy định về đất ở. Nếu chỉ tách đất nông nghiệp để sản xuất, diện tích tối thiểu không được nhỏ hơn hạn mức giao đất nông nghiệp cho một nhân khẩu theo Quyết định số 652/QĐ-UB ngày 17/11/1993 của UBND tỉnh.
Đối với đất phi nông nghiệp, diện tích tối thiểu tách thửa phải tuân theo quy hoạch hoặc dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã gặp một số khó khăn liên quan đến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Một số vấn đề như chậm công khai quy hoạch phát triển nhà ở, điều chỉnh Bảng giá đất hay thiếu quỹ đất để đấu giá đã ảnh hưởng đến nhu cầu nhà ở của người dân. Tuy nhiên, tỉnh Thái Bình đã nỗ lực vượt qua các khó khăn và đang tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Thái Bình đẩy mạnh thực thi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản: Quyết liệt để ra kết quả cụ thể |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản thi hành luật, đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Xây dựng tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các địa phương để đưa ra giải pháp tháo gỡ kịp thời, nhằm bảo đảm hiệu quả của việc thực thi các luật mới.