Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (hai đơn vị chính trong cấp than cho sản xuất điện) để đề nghị giãn thời gian thanh toán tiền than.
Theo EVN, từ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu, hoạt động sản xuất điện bị lỗ. Điều này đã làm thiếu hụt dòng tiền thanh toán cho các nhà cung cấp nhiên liệu, đơn vị bán điện. Vì vậy, EVN kiến nghị các đơn vị trên xem xét giãn thời gian thanh toán tiền mua than.
Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục cung cấp đầy đủ và liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm 2023, trên cơ sở có giải pháp tăng cường khai thác và cung cấp than sản xuất trong nước cho các đơn vị phát điện.
Thực tế, EVN đang lo lắng rủi ro thiếu điện vào mùa nắng nóng đỉnh điểm ở miền Bắc, khi dự báo mùa Hè năm nay khắc nghiệt, khô hạn diện rộng, trong bối cảnh thiếu than.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân và đoàn công tác EVN vừa làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc với nội dung đảm bảo cung cấp nhiên liệu than cho sản xuất điện, đặc biệt trong các tháng cao điểm nắng nóng 2023.
Các đơn vị phát điện trong EVN đã ký hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện năm 2023 với TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Tổng khối lượng than theo hợp đồng với TKV là 17,98 triệu tấn, với Tổng công ty Đông Bắc 7,05 triệu tấn. Hầu hết là than pha trộn nhập khẩu.
Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, nhìn chung, tình hình cấp than trong quý I/2023 cơ bản đáp ứng được khối lượng hợp đồng, tuy nhiên còn thiếu so với yêu cầu thực tế của hệ thống điện.
Tổng sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu than trong 4 tháng đầu 2023 đạt 40,06 tỷ kWh (chiếm 46,53% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống), thấp hơn so với kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 do Bộ Công Thương ban hành.
Cũng theo lãnh đạo EVN, hiện nay, mặc dù mới bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô nhưng tình hình cung cấp điện cho hệ thống đã rất căng thẳng. Diễn biến thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện thấp hơn so với kế hoạch.
Để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn vận hành giá cao (dầu DO, FO), nhiều nhà máy thủy điện đã được khai thác đến mức nước rất thấp, thậm chí có hồ đã về gần với mức nước chết.
Theo kế hoạch cập nhật, trong các tháng 5, 6, 7, sản lượng huy động của các nhà máy nhiệt điện than dự kiến sẽ duy trì ở mức cao. Cụ thể, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng than antracite của EVN trong 3 tháng này sẽ là 14,77 tỷ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 7,17 triệu tấn than.
Tuy nhiên, tổng khối lượng theo hợp đồng đã ký với TKV và Tổng công ty Đông Bắc mới có 6,59 triệu tấn. EVN đề nghị TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện cung cấp than theo đúng hợp đồng đã ký kết, đồng thời tìm kiếm các giải pháp để bổ sung lượng than cấp cho sản xuất điện theo nhu cầu huy động của hệ thống các tháng sắp tới.
P.V (t/h)