Vinfast trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường, chỉ sau hơn 2 năm chuyển đổi thành hãng xe hoàn toàn thuần điện. |
Vị thế dẫn đầu của VinFast chứng minh xe điện hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam
Gần đây, thị trường ô tô tháng 9 đã chứng kiến cột mốc đáng nhớ khi lần đầu tiên hãng xe điện Việt Nam Vinfast đã vượt qua tất cả thương hiệu xe xăng và điện quốc tế, trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường, chỉ sau hơn 2 năm chuyển đổi thành hãng xe hoàn toàn thuần điện. Số xe bán ra trong 1 tháng của hãng xe Việt Vinfast gấp 1,5 lần Toyota ở vị trí thứ 2 và thậm chí gấp 2 - 3 lần so với những hãng như KIA, Honda, Ford…
Sự tăng trưởng đáng kể của VinFast trong thời gian qua, với việc vượt qua các thương hiệu quốc tế để trở thành nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất tại Việt Nam phản ánh một sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam đối với xe điện (EV). Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, Tiến sĩ Nguyễn Sơn - Giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, sự thay đổi này phản ánh một phần quá trình chuyển đổi hành vi tiêu dùng tại Việt Nam. Ông nhận định có nhiều yếu tố quan trọng thúc đẩy sự dịch chuyển này:
Thứ nhất, người tiêu dùng hiện nay đã coi bảo vệ môi trường là một trong những động lực quan trọng để tìm hiểu về xe điện. Thêm nữa, người tiêu dùng trẻ tuổi thu nhập trung bình và cao tập trung hơn vào các yếu tố như công nghệ xanh. Điều này phù hợp với xu hướng toàn cầu hướng tới giao thông bền vững, và cũng là thành quả của truyền thông và giáo dục về bảo vệ môi trường.
Thứ hai, các chính sách như miễn phí đăng ký và giảm thuế nhập khẩu cho xe điện làm cho dòng xe trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Chi phí vận hành xe điện cũng rất cạnh tranh khi so sánh với xe truyền thống, điều này, tuy vẫn cần kiểm chứng và các nghiên cứu chi tiết trong dài hạn, lại đặc biệt hấp dẫn trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao.
Thứ ba, việc nhanh, kịp thời mở rộng mạng lưới trạm sạc, với riêng VinFast đã lắp đặt hơn 150.000 cổng sạc, đã giúp giảm bớt lo ngại về phạm vi hoạt động của xe điện và mức độ tiện lợi khi sử dụng.
Cuối cùng, việc giới thiệu nhiều mẫu xe điện đa dạng, ở các phân khúc khác nhau từ các nhà sản xuất khác nhau đã mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Sự thành công của VinFast trên thị trường xe điện không chỉ khích lệ người tiêu dùng mà còn mở ra cơ hội đầu tư lớn, cả trong và ngoài nước. Theo Tiến sĩ Nguyễn Sơn, sự tăng trưởng nhanh chóng và vị thế dẫn đầu của VinFast chứng minh rằng xe điện hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Điều này có thể thúc đẩy nhiều công ty trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng EV, đồng thời thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn hợp tác hoặc thiết lập hoạt động tại Việt Nam để nắm bắt tiềm năng thị trường.
"Trong chuỗi giá trị của EV, với thị trường tại Việt Nam dự kiến đạt 5-7 tỷ USD sau 5 năm nữa, nhu cầu pin EV sẽ tăng cao, tạo ra cơ hội đầu tư vào các cơ sở sản xuất và tái chế pin. Nhu cầu về một mạng lưới sạc rộng khắp tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và các công nghệ liên quan. Ngành công nghiệp EV phát triển sẽ có nhu cầu ngày càng tăng đối với các linh kiện chuyên dụng, mang lại cơ hội cho nhà cung cấp trong nước cũng như nước ngoài. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, như miễn phí đăng ký và giảm thuế nhập khẩu cho xe điện, tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Những ưu đãi này có thể khuyến khích các quỹ đầu tư lớn hơn xem thị trường EV Việt Nam như một cơ hội dài hạn đầy hứa hẹn", ông Sơn nhận định.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh rằng, sự thành công của xe điện tại Việt Nam có thể thúc đẩy các khoản đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm vào các lĩnh vực như công nghệ lái tự động, hệ thống xe thông minh và công nghệ pin tiên tiến. Trong tương lai, các dịch vụ hỗ trợ như bảo trì, đổi pin, quản lý xe điện và xe tự động cũng sẽ trở thành những lĩnh vực hấp dẫn để đầu tư.
VinFast là đơn vị duy nhất cung cấp trạm sạc, đạt tỷ lệ 15 cổng sạc trên 10.000 người, cao hơn Mỹ và Trung Quốc. |
Thách thức bủa vây ngành công nghiệp xe điện và bài toán tháo gỡ
Với việc Vinfast vượt qua tất cả thương hiệu xe xăng và điện quốc tế để chinh phục người dùng Việt, có thể thấy rằng, ngành công nghiệp ô tô điện của Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi quan trọng, hứa hẹn tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng khá lớn nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường xe điện ở Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, Tiến sĩ Trương Quang Dũng - Giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics (Đại học RMIT Việt Nam) đã chỉ ra hàng loạt thách thức trong quá trình Việt Nam phát triển ngành xe điện, bao gồm hạ tầng trạm sạc, năng lực lưới điện, và công nghệ. Hiện tại, VinFast là đơn vị duy nhất cung cấp trạm sạc, đạt tỷ lệ 15 cổng sạc trên 10.000 người, cao hơn Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về phân bổ hạ tầng, khi nhiều người tiêu dùng cho rằng trạm sạc chưa đủ phổ biến. Một khảo sát tại TP.HCM vào tháng 12/2023 cho thấy, 86,83% người tham gia chưa muốn chuyển sang xe điện, chủ yếu do lo ngại về sự thiếu hụt trạm sạc. Mặc dù các trạm của VinFast đã bao phủ các tuyến đường cao tốc, kết nối liên tỉnh, nhưng vẫn còn khoảng trống ở các khu dân cư đô thị và nông thôn. Việc VinFast không chia sẻ trạm sạc với các hãng xe khác trong 10 năm tới có thể hạn chế sự mở rộng hạ tầng.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Trương Quang Dũng, VinFast đã đạt nhiều tiến bộ trong công nghệ pin và hiệu suất xe điện, giúp sản phẩm cạnh tranh về tầm hoạt động và thời gian sạc. Tuy nhiên, do công ty tập trung vào thị trường quốc tế, đặc biệt là xây dựng nhà máy tại Mỹ và phát triển các dòng xe tự lái, xe thương mại, sự phát triển hạ tầng trong nước có thể bị chậm lại.
"Một thách thức lớn khác là lưới điện của Việt Nam, có thể khó đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng lên khi số lượng xe điện tăng. Các chuyên gia lo ngại rằng cơ sở hạ tầng lưới điện hiện tại, đặc biệt là ở các khu vực đô thị, thiếu năng lực và độ tin cậy để hỗ trợ sự gia tăng nhanh chóng của xe điện nếu không có các nâng cấp lớn. Để đáp ứng nhu cầu tương lai, các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời sẽ là điều thiết yếu", Tiến sĩ Trương Quang Dũng nhận định.
Nhằm giải quyết các thách thức hiện có và nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành, Tiến sĩ Irfan Ul Haq - Giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng: "Chính phủ phải thiết lập các khuôn khổ quy định rõ ràng, cung cấp hỗ trợ tài chính có mục tiêu và đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực. Thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế chiến lược, đồng thời bảo vệ lợi ích trong nước thông qua các thỏa thuận thương mại được xây dựng cẩn thận và các chương trình xúc tiến xuất khẩu, sẽ là yếu tố thiết yếu để Việt Nam trở thành một lực lượng cạnh tranh trên thị trường khu vực. Cách tiếp cận phối hợp này sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước, tạo ra cơ hội việc làm đáng kể và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Sự chuyển đổi thành công của ngành ô tô Việt Nam phụ thuộc vào các chính sách gắn kết cân bằng giữa hội nhập quốc tế và bảo vệ ngành công nghiệp trong nước".
Ngoài ra, để thúc đẩy thị trường xe điện Việt Nam, ông Irfan Ul Haq cũng cho rằng, từ phía Chính phủ nên ưu tiên thiết lập chuỗi cung ứng tiên tiến cho xe điện và xe hybrid, đồng thời đầu tư vào sản xuất thép và các ngành công nghiệp vật liệu sẽ tăng cường tính độc lập trong sản xuất, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ông cũng khẳng định rằng, việc hỗ trợ công nghệ thông qua các khoản tài trợ và ưu đãi thuế, đặc biệt là các công nghệ cốt lõi, sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường.