Hermes ghi nhận doanh số mạnh mẽ bất chấp ngành hàng xa xỉ ảm đạm. (Ảnh: Julien de Rosa/AFP). |
Tập đoàn hàng xa xỉ Pháp Hermes tiếp tục vượt qua tình hình suy thoái toàn cầu trong ngành khi báo cáo doanh thu hàng quý tăng mạnh.
Cụ thể, Tập đoàn niêm yết tại Paris, nổi tiếng với khăn lụa và túi Birkin, thông báo vào thứ Năm (24/10) rằng, doanh số bán hàng đã tăng 11,3% lên 3,7 tỷ euro (khoảng 4 tỷ USD), phù hợp với dự báo 3,69 tỷ euro của các nhà phân tích do LSEG khảo sát.
Theo đó, cổ phiếu của Hermes đã tăng 2,33% lên 2.109 euro trong phiên giao dịch sáng, đưa mức tăng trưởng của năm nay lên 11%. Ngược lại, cổ phiếu của các đối thủ LVMH và Kering - chủ sở hữu Gucci đã giảm lần lượt 14% và 41%, do ngành này chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng suy yếu, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Hermes đã vượt qua tình trạng suy thoái của ngành tốt hơn các đối thủ vì hãng nhắm vào đối tượng khách hàng xa xỉ giàu có nhất, với danh sách chờ dài cho các mẫu túi xách phổ biến nhất của mình, vốn có thể được bán với giá hàng chục nghìn bảng Anh. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, một số sản phẩm của thương hiệu đã thành công thu hút nhóm khách hàng muốn phấn đấu cho lối sống xa xỉ.
Hermes ghi nhận tăng trưởng doanh số ở mức 20% trên toàn châu Âu, ngoại trừ Pháp, nơi chỉ tăng 13%, được thúc đẩy bởi doanh số mạnh mẽ của các mặt hàng dệt may, đồ da và nước hoa. Doanh số tại Pháp của hãng này bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn từ Thế vận hội mùa hè năm nay, nhưng điều này đã phần nào được bù đắp bởi doanh số tốt tại các thị trấn ven biển.
Eric du Halgouet, Phó Chủ tịch điều hành tài chính của Hermes, cho biết trong cuộc gọi với các nhà đầu tư rằng, sự thành công tại châu Âu chủ yếu đến từ các du khách Mỹ và Trung Đông, trong khi số lượng người mua Trung Quốc đã giảm nhẹ.
Tuy nhiên, trang sức và đồng hồ, chiếm khoảng 40% doanh thu của thương hiệu, đã không đạt kỳ vọng. Đặc biệt, doanh số đồng hồ đã giảm 18%, gấp đôi mức dự báo giảm 9%. Ông Du Halgouet cho biết, đây là một phần trong quá trình điều chỉnh sau giai đoạn tăng trưởng mạnh của những năm trước.
Bất chấp sự suy thoái của ngành, các nhà phân tích dự báo Hermes và Tập đoàn Prada của Ý, dự kiến sẽ công bố lợi nhuận vào tuần tới, sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nổi bật.
Cửa hàng của Hermes ở Mayfair, London. (Ảnh: coldsnowstorm/iStock). |
Hermes tuyên bố vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng doanh thu trung hạn, bất chấp các yếu tố bất lợi về địa chính trị và sự bất ổn trong lĩnh vực tiền tệ. Công ty đã tăng cường đầu tư vào năng lực sản xuất, tiếp thị và công nghệ thông tin, đồng thời mở rộng nhân sự, cung cấp các đợt tăng lương và có kế hoạch chia sẻ cổ phần miễn phí cho nhân viên.
Hermes luôn nổi bật so với các đối thủ lớn của Pháp bao gồm Louis Vuitton và Dior thuộc sở hữu của LVMH, vốn chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm tại Trung Quốc trong quý ba, và Kering, hiện đang gặp khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch cải tổ tại Gucci.
Citi Group cho biết trong một ghi chú rằng “mức định giá cao của Hermes dường như được lí giải bởi mô hình kinh doanh phòng thủ, với khả năng dự đoán tương đối tốt về tăng trưởng doanh thu, biên lợi nhuận, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận, đặc biệt là trong thời điểm ngành xa xỉ không được ưa chuộng”. Mức biên lợi nhuận trước thuế và lãi suất hiện tại 40% dường như là một “đại diện tốt” cho tương lai, Citi cho biết thêm.
Trong khi đó, LVMH và Kering đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh số tại Nhật Bản chậm lại, do đồng yên mạnh lên đã làm giảm sự quan tâm của các du khách nước ngoài, một xu hướng mà Hermes đã vượt qua được.
“Khác với các đối thủ, Hermes chủ yếu hướng đến người tiêu dùng nội địa tại Nhật Bản nên ít bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm trong du lịch của người Trung Quốc”, các nhà phân tích tại Barclays cho biết.
Ngoài ra, Kering đã đưa ra cảnh báo vào thứ Tư (23/10) rằng, lợi nhuận hoạt động cả năm của hãng sẽ gần như giảm một nửa so với năm ngoái, là một trong chuỗi các cảnh báo lợi nhuận trong suốt năm 2024 đã tác động mạnh đến cổ phiếu của tập đoàn này.
Theo đó, doanh số của Gucci đã giảm 25% trong quý III, còn Kering thì không đưa ra dự báo về thời điểm có thể ghi nhận sự cải thiện rõ ràng trong năm 2025. Cổ phiếu của Kering đã tăng 1,6% trong phiên giao dịch sáng tại Paris vào thứ Năm (24/10).
“Ngành hàng xa xỉ, và đặc biệt là Kering, đang bị giằng xé giữa hai lực tác động mạnh mẽ: một mặt là hoạt động thương mại hiện tại đang suy yếu”, nhà phân tích Luca Solca tại Bernstein nhận định. “Mặt khác, các hành động của Cục Dự trữ Liên bang và chính quyền Trung Quốc dự báo về một môi trường kinh doanh tốt hơn”.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, Kering đang đối mặt với “các vấn đề cụ thể về công ty và thương hiệu”.