Tạo động lực để doanh nghiệp "bứt tốc" hậu Covid

09:17 27/10/2021

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đang gây sức ép nặng nề lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Thực tế đó đang đòi hỏi các cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để họ có thể “bứt tốc” sau khi phải gánh chịu những hậu quả từ đại dịch. Bàn luận về những vấn đề này, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có những chia sẻ với GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát – Ủy viên HĐTV về kinh tế khóa IX, thành viên tư vấn của Thủ tướng.

GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương.

 GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát – Ủy viên HĐTV về kinh tế khóa IX, thành viên tư vấn của Thủ tướng. 

Theo ông đâu là yếu tố cần lưu tâm trong bối cảnh hiện nay để thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế"?

GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát: Theo tôi, để thực hiện được mục tiêu kép thì một mặt chúng ta phải quyết liệt chống dịch, đồng thời phải quan tâm đến việc cần phải có một kế hoạch khẩn trương, kế hoạch phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Mà thực chất, dịch hiện nay vẫn chưa thể nào kết thúc và còn diễn biến phức tạp nên chúng ta phải chuẩn bị đón cơ hội, phải có sẵn các kịch bản để khắc phục khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài ra, trong bối cảnh hậu đại dịch. Chúng ta cần làm đồng bộ nhiều mặt. Một mặt cần quan tâm đến những ngành nghề, những lĩnh vực bị thiệt hại nhiều nhất trong đại địch như hàng không, du lịch hay khu vực các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác vẫn phải quan tâm đến vấn đề lớn như cơ chế, nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề quản lý. Chúng ta cần có kế hoạch tổng thế có tầm chiến lược và toàn diện.

Bàn về những vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là một chủ đề lớn phức tạp. Có một số quan điểm mà tôi muốn lưu ý đến. Thứ nhất, việc chuyển từ chủ trương Covid-19 sang linh hoạt thích ứng là hoàn toàn đúng đắn. Thứ hai, sẵn sàng có các kịch bản khôi phục kinh tế ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh là rất cần thiết, tạo ra thế chủ động, khắc phục được những yếu tố bất ngờ, tận dụng được những cơ hội cho phát triển kinh tế. Thứ ba, phải xây dựng được một kế hoạch khôi phục kinh tế toàn diện, dài hơi, có tầm nhìn xa, đồng bộ, có trọng điểm nhất là những vấn đề mấu chốt bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Việt Nam hiện nay đã ký hàng loạt các hiệp định thương mại, mà mới đây nhất chúng ta thấy là Hiệp định EVFTA với liên minh châu Âu. Vậy ông đánh giá thế nào về cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt và trong bối cảnh đại dịch, làm thế nào để biến những thách thức đó thành cơ hội?

GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát: EVFTA được kỳ vọng mang đến khá nhiều cơ hội và lợi ích cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, EVFTA cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực sự nỗ lực để biến thách thức thành cơ hội...

Sau những thành công bước đầu khả quan và tích cực trong thực thi EVFTA, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới khó khăn hơn, thách thức hơn dưới áp lực chưa từng có của dịch bệnh Covid-19. Tôi tin rằng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể đóng góp và là 1 trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp nỗ lực vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới, nếu khai thác hiệu quả các khía cạnh thích hợp.

Đây là những Hiệp định mà chúng ta cần quan tâm, chúng ta có khả năng làm tốt nếu như chúng ta biết phát huy tinh thần, nội lực của người Việt Nam; phát huy những bài học từ đại dịch mà đã cho chúng ta thấy: tức là càng trong khó khăn thì ta cũng phát hiện ra mình có nhiều tiềm năng phục hồi. Cho nên là một khi mình biết phát huy trí tuệ của người Việt Nam, thì chúng ta có những bước phát triển lớn sau này. 

Nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội trên và quyết tâm thì dù có khó khăn cũng sẽ có những giải pháp khắc phục được.
Nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội trên và quyết tâm thì dù có khó khăn cũng sẽ có những giải pháp khắc phục được. Ảnh: Internet.

Hội nhập, cạnh tranh trên thị trường thế giới có phải là một thử thách quá tầm với đối với những doanh nghiệp trong nước mà trong đó hơn 95% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không, thưa ông?

GS.TSKH Đỗ Nguyên KhoátHiện nay, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm 97%, đóng góp 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Trong mọi hoàn cảnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn năng động, sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt vượt qua mọi khó khăn, thách thức góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Việc kết thúc đàm phán thành công, từ đó tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh những cơ hội thì Hiệp định EVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quá trình hội nhập kinh tế cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu do năng lực cạnh tranh hạn chế, điều này đến từ việc doanh nghiệp quy mô nhỏ nên khó khăn trong việc huy động nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, trình độ quản lý, đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn hạn chế trong hợp tác, hỗ trợ và nâng đỡ nhau để trở thành đối tác lâu dài, hướng tới mục tiêu chung. Trong nhận thức của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ngắn hạn, họ thường chưa xác định được tầm nhìn dài hạn với tư duy chiến lược.

Tất nhiên tuy còn những có những khó khăn nêu trên nhưng không phải là mình không có hy vọng. Thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực, tận dụng các lợi ích của FTA, tham gia vào chuỗi liên kết, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội trên và quyết tâm thì dù có khó khăn cũng sẽ có những giải pháp khắc phục được.

Chúng ta mở cửa, ký nhiều hiệp định thương mại nhưng dường như năng lực của doanh nghiệp còn những hạn chế. Theo ông, cần làm gì để kiến tạo những cơ hội doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong thời gian tới?  

GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát: Đối diện với bối cảnh đại dịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải chịu thiệt hại nhiều, vì vậy cần phải có các giải pháp cụ thể. Nhằm tạo điều kiện khắc phục nhanh chóng những hậu quả của Đại dịch Covid-19, đối với khu vực các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như:

Thứ nhất, vừa phải quyết liệt chống dịch Covid-19 đồng thời với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.

Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động. Bộ Giao thông vận tải nên xem xét chính sách giá dịch vụ hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 cũng như niêm yết giá công khai, minh bạch các loại giá cước vận tải tránh tình trạng tăng cước bất hợp lý. Các bộ ngành khác như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước xem xét các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ tiền điện nước, gia hạn tiền nộp khai thác tài nguyên, chích sách lãi suất thấp cho doanh nghiệp.

Cuối cùng, cần tạo điều kiện thuận lợi về lao động và chuyên gia. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần chỉ đạo địa phương nới lỏng một số quy định, điều kiện về cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch Covid-19. Bộ Ngoại giao cũng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt “ngoại giao vaccine” và đẩy nhanh việc đàm phán, công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine” để mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép.

Tôi mong muốn rằng những giải pháp căn bản này sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng khắc phục hậu quả và phục hồi kinh tế.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Bảo Bảo (t/h)