Mức tăng trưởng của khối 20 nước dùng đồng tiền chung euro thấp hơn ước tính ban đầu là 0,3% của Eurostat, một phần do tăng trưởng yếu hơn ở Pháp - nền kinh tế lớn chứ hai EU. Cùng với đó là ảnh hưởng của Ireland, với GDP quý 2 giảm cao nhất, ở mức 1%, ngược với dự kiến đi lên mạnh mẽ.
GDP quý 2 của cả Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước cũng tăng 0,2% so với quý 1. Ba tháng đầu năm, tăng trưởng của eurozone và EU cao hơn, đạt 0,3%.
Tình hình cho thấy, tăng trưởng ở châu Âu đang kém hơn đáng kể so với Mỹ và Anh trong cùng giai đoạn. Kinh tế Mỹ quý trước tăng lần lượt 0,7% và 3,1% so với quý I và cùng kỳ năm ngoái.
Đây là hệ quả từ một loạt chỉ số kinh tế giảm mạnh trong quý, bao gồm đầu tư và chi tiêu tiêu dùng. Đầu tư của khối giảm mạnh, với mức giảm sâu lên tới 2,2%. Trong khi đó, tiêu dùng giảm nhẹ 0,1% so với quý trước.
Theo các chuyên gia, cả hai yếu tố này suy giảm bởi lãi suất cao đang làm giảm nhu cầu, cũng như phản ánh sự thận trọng của doanh nghiệp trước tình hình kinh tế không chắc chắn. Tăng trưởng của khối thời gian qua chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu và chi tiêu công của chính phủ, theo các nhà quan sát.
Các khảo sát và dữ liệu gần đây tiếp tục cho thấy, triển vọng tăng trưởng yếu kém có thể tiếp tục trong quý 3. Nguy cơ này đang ngày càng tăng khi Đức – đầu tàu kinh tế khu vực đồng tiền chung đang trượt vào suy thoái sau khi thu hẹp trong quý 2.
Bên cạnh đó, Eurostat hạ ước tính tăng trưởng một phần cũng đến từ tăng trưởng yếu hơn của Pháp, thành viên lớn thứ hai của Eurozone. Đáng chú ý, sự thay đổi trong dữ liệu kinh tế châu Âu cũng tới từ một thành viên khác - Ireland.
Trước đó, Ireland với động lực từ ngành dược phẩm bùng nổ sau Covid đã đóng góp lớn vào các chỉ số tăng trưởng của khối Eurozone. Nước này là trụ sở của nhiều công ty dược phẩm lớn của Mỹ, và là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới trong năm 2022, khi nhu cầu thuốc tăng cao trong đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các số liệu mới công bố mới đây lại chỉ ra sự suy giảm mạnh khi nhu cầu thuốc men thu hẹp vào năm ngoái. Mặc dù tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay, nguy cơ suy giảm trong quý 2 được dự báo vẫn tiếp tục bởi hiệu suất yếu kém trong nước cũng như sự sụt giảm nhẹ trong hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ.
Ở một góc nhìn khác, khảo sát của ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB) do S&P Global tổng hợp vừa được công bố ngày 2/9 cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tại Eurozone đứng ở mức 45,8 trong tháng 8/2024, cao hơn mức ước tính sơ bộ 45,6 và nằm dưới mốc 50 - phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Chuyên gia Cyrus de la Rubia của HCOB cho biết: “Điều này có thể gây rắc rối cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn đang phải vật lộn với lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ trong khi dựa vào giá sản xuất giảm để duy trì đà giảm lạm phát".
Dữ liệu sơ bộ mới đây cho thấy, lạm phát chung của Eurozone trong tháng 8/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm là 2,2%, củng cố nhu cầu nới lỏng chính sách tiền tệ từ ECB.
Theo hơn 80% các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò tháng 8 của hãng tin Reuters, ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12, ít hơn so với kỳ vọng của thị trường.
Mai Anh