![]() |
EU chuẩn bị phạt nền tảng X của Elon Musk hơn 1 tỷ USD |
Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị áp dụng một trong những án phạt nghiêm khắc nhất từ trước đến nay đối với nền tảng X – mạng xã hội thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk. Theo các nguồn tin từ New York Times, mức phạt có thể vượt mốc 1 tỷ USD, do X bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act - DSA).
Cuộc điều tra do EU tiến hành từ năm 2023 đã đưa ra kết luận sơ bộ rằng X đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm soát thông tin sai lệch, không cung cấp dữ liệu minh bạch cho giới nghiên cứu và thiếu các biện pháp xác minh hiệu quả với người dùng trả phí. Giới chức châu Âu cho rằng những vi phạm này không chỉ làm suy yếu nỗ lực chống lại thông tin độc hại mà còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của nền tảng.
Ngoài ra, X cũng bị chỉ trích vì để nền tảng trở thành nơi lan truyền các phát ngôn gây thù ghét, thông tin sai lệch và các nội dung bị đánh giá là gây tổn hại đến nền dân chủ của 27 quốc gia thành viên EU. Cơ quan chức năng cho biết, nền tảng này đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngăn chặn nội dung bất hợp pháp, trong khi luật DSA yêu cầu các công ty công nghệ phải giám sát tốt hơn hoạt động của mình và minh bạch hóa cách thức vận hành.
Liên minh châu Âu cũng đang xem xét khả năng yêu cầu X thay đổi thuật toán phân phối nội dung và tiếp tục tiến hành một cuộc điều tra thứ hai quy mô lớn hơn. Theo quy định của DSA, mức phạt tối đa có thể lên tới 6% doanh thu toàn cầu của công ty vi phạm. Trong trường hợp của X, EU đang cân nhắc việc tính gộp doanh thu từ các công ty khác do tỷ phú Elon Musk sở hữu, bao gồm cả SpaceX, khiến khoản phạt tiềm năng có thể vượt 1 tỷ USD.
Đáp lại các động thái từ phía EU, nền tảng X lên tiếng chỉ trích đây là “một tiền lệ kiểm duyệt chính trị chưa từng có” và là “đòn tấn công vào quyền tự do ngôn luận”. Đại diện công ty cho biết sẽ nỗ lực bảo vệ quyền hoạt động của mình tại châu Âu, đồng thời khẳng định sẵn sàng theo đuổi “một cuộc chiến pháp lý công khai” để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân châu Âu.
Từ tháng 7 năm ngoái khi EU công bố kết quả điều tra sơ bộ, tỷ phú Elon Musk đã lên tiếng chỉ trích các chính sách của châu Âu chẳng khác gì kiểm duyệt nội dung. Ông Musk từng chia sẻ lại bài đăng của Uỷ viên EU phụ trách thị trường nội khối khi đó là ông Thierry Breton (hiện đã từ chức) và tuyên bố "Chúng tôi mong đợi một cuộc chiến rất công khai trước toà để người dân châu Âu biết được đâu là sự thật".
Trong một động thái phản hồi, ngày 5/4, X cho biết các tài khoản mạo danh người dùng hoặc cá nhân phải sử dụng các từ khóa như "giả mạo" hoặc "bản sao" ở đầu tên tài khoản của mình. Quy định này có hiệu lực từ ngày 10/4.
Bối cảnh vụ việc càng trở nên nhạy cảm khi ông Elon Musk hiện là người đứng đầu Cơ quan Hiệu quả Chính phủ (DOGE) – một tổ chức của chính phủ Mỹ có vai trò cắt giảm chi tiêu liên bang – đồng thời là một trong những cố vấn thân cận của Tổng thống Donald Trump. Điều này khiến hành động của EU có thể làm gia tăng căng thẳng, đặc biệt trong thời điểm quan hệ giữa Mỹ và EU đang chịu nhiều sức ép từ các vấn đề thương mại, thuế quan.
Dù vậy, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn thực thi và sẽ tiếp tục thực thi luật pháp một cách công bằng cũng như không phân biệt đối xử với mọi công ty hoạt động tại EU".
Ngoài X, các công ty công nghệ lớn khác như Meta và Apple cũng đang bị EU điều tra vì vi phạm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số và Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA). Meta thậm chí còn bị cáo buộc không có đủ biện pháp bảo vệ người dùng là trẻ vị thành niên trên nền tảng mạng xã hội của mình.
Kết quả cuối cùng của cuộc điều tra đối với X vẫn chưa được công bố, nhưng vụ việc đã thu hút sự quan tâm đặc biệt do đây là bài thử nghiệm lớn đầu tiên cho khả năng thực thi luật công nghệ mới của EU.