Tăng cường thu hút đầu tư vào dệt nhuộm

21:33 19/04/2024

Dệt may Việt Nam hiện vẫn tồn tại những thách thức và cơ hội, các khâu sản xuất cung ứng và hoàn thiện sản phẩm được quan tâm một cách toàn diện, trong đó đầu tư vào dệt nhuộm và hoàn thiện công nghệ cho ngành dệt may đang được chú trọng hơn cả.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Những năm gần đây, trong công cuộc hội nhập kinh tế thế giới, khi tham gia ký kết các các hiệp định thương mại tự do FTA, Việt Nam đã có được những thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may về thuế xuất, về mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như thuận lợi khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, các doanh nghiệp dệt may phải tuân thủ các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt như "từ sợi trở đi", hay "từ vải trở đi" đối với từng FTA đã ký kết nhằm duy trì được giá trị xuất khẩu tối ưu. 

Định hướng của ngành dệt may hiện tại là tận dụng lợi ích từ các FTA, cố gắng đáp ứng khoảng trống trong chuỗi cung ứng và chuyển sang phát triển bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm và sáng tạo. Qua đó, từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Gần đây, tại KCN Bỉm Sơn (Thanh Hóa) nhà máy công nghiệp SAB đã khánh thành và đi vào sản xuất, cung ứng các loại khóa kéo, phụ kiện phần cứng và hợp kim... góp phần đưa dệt may Việt Nam chủ động hơn về nguồn cung nguyên liệu trong nước và giảm chi phí vận chuyển so với nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này cũng giúp giảm thiểu cung thiếu hụt, giảm nhập khẩu và tăng thặng dư thương mại xuất khẩu cho ngành dệt may. 

Hoặc nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang nỗ lực một cách mạnh mẽ nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng, tăng khả năng tự chủ về nguyên liệu. Trong đó, Công ty CP Dệt May Đầu tư Thương mại Thành Công là một ví dụ về xây dựng quy trình sản xuất khép kín từ sợi đến thành phẩm cuối cùng...

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu và đầu tư vào sợi tự nhiên, sợi tái chế nhằm hướng tới một quy trình phát triển bền vững nhất.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas Việt Nam: "Hàng loạt nhà sản xuất vải, chỉ hàng đầu thế giới đã đầu tư tại Việt Nam. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của ngành dệt may Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.

Để đảm bảo các quy tắc tiêu chuẩn đã ký kết, nhằm đạt được mục tiêu xuất khẩu đã đề ra, hiện nay, dệt may Việt Nam đang từng bước tập trung đặc biệt vào khâu dệt và nhuộm. Là hai khâu vẫn tồn tại nhiều nút thắt nhất trong các công đoạn sản xuất. Hạ tầng cho các công đoạn dệt nhuộm và sản xuất vải vẫn còn hạn chế, chưa có quy hoạch không gian phát triển và xử lý nước thải hiệu quả. Một số địa phương đã từ chối các dự án dệt nhuộm, với lý do ngành dệt nhuộm gây ô nhiễm môi trường, mặc dù nhà đầu tư đã có cam kết sẽ sử dụng công nghệ xử lý hiện đại, không gây tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, các chính sách hiện hành dường như chưa đủ mạnh, bởi một số chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho ngành dệt may chưa tập trung được vào những công đoạn thực sự khó khăn và phức tạp như dệt, nhuộm hoàn tất, và các công nghiệp phụ trợ.

Căn cứ trên thực tế và các chính sách đã được triển khai, Vitas đã đề xuất Chính phủ và các cơ quan nhà nước ban hành chính sách nhằm tháo gỡ và giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển năng lực cạnh tranh trong công nghiệp dệt may. Ngoài ra, Vitas cũng đề xuất triển khai Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; kiến nghị Bộ Công Thương, các địa phương xây dựng các tổ hợp, các KCN dệt may lớn tại một số địa phương có đủ điều kiện, có hệ thống xử lý nước thải hiện đại, đảm bảo tính bền vững và an toàn cho môi trường. Đồng thời, liên tục cập nhật và giới thiệu các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng, đặc biệt là các ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào các công nghệ mới và thiết bị giảm tiêu hao năng lượng, tái sử dụng nước xả thải, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của pháp luật.

PV t/h