Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia đàm phán và ký kết thành công nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại song phương và đa phương. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 với những tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên nền kinh tế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã khiến hai trụ cột trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu là thương mại và đầu tư gặp nhiều thách thức khi các chuỗi giá trị cung ứng bị đứt gãy và dòng vốn đầu tư quốc tế gặp nhiều trở ngại.
Trong bối cảnh đó, cùng với các xu hướng được định hình từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động chuyển đổi số trên toàn cầu được chú trọng triển khai như một giải pháp không chỉ khắc phục hạn chế của giai đoạn dịch bệnh mà còn là chiến lược dài hạn nhằm khôi phục hiệu quả hoạt động và bứt phá trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Theo đó, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường
Chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại đang góp phần thay đổi nhận thức, tư duy thương mại cho người dân, doanh nghiệp, tạo cầu nối bền vững, lâu dài cho các hoạt động giao thương và đáp ứng xu thế phát triển trong thời đại kinh tế số hiện nay. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp để thích ứng, tận dụng những cơ hội mới nhằm duy trì, mở rộng thị trường. Đây được coi là xu thế mới và hiệu quả trong quá trình quảng bá sản phẩm, đồng thời cũng là cơ hội “vàng” để khai thác tối ưu các giá trị của hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới.
Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội mới, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp, có thể kể đến như chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ cao; khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh; khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số; thiếu thông tin về công nghệ số và khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số. Về mặt con người, chuyển đối số cũng đặt ra những điều kiện về sự cam kết, hiểu biết của Ban lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp và của người lao động cũng như những quan ngại liên quan đến vấn đề rò rỉ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mở rộng thị trường xuyên biên giới với công nghệ số cũng đi kèm với những nhóm rủi ro pháp lý đặc thù, doanh nghiệp có thể đứng trước nguy cơ phát sinh tranh chấp do những hạn chế trong việc xác thực đối tác hay tính xác thực của các trao đổi, giao dịch như không gặp trực tiếp để cùng đàm phán hợp đồng, ký kết hợp tác, không trực tiếp xem cơ sở sản xuất, quá trình sản xuất, làm việc qua mạng, email, video call,... trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đây cũng là nội dung được đề cập tại nhiều diễn đàn hỗ trợ pháp lý và đồng hành cùng doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường quốc tế trong thời gian gần đây.
'3 tăng cường', '5 đẩy mạnh' trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số
Ngày 24/04 vừa qua, tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
"3 tăng cường" gồm: (1) Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu; (2) tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực; và (3) tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.
"5 đẩy mạnh" gồm: (1) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; (2) đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; (3) đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số; (4) đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; và (5) đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.
Bên cạnh những nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc tăng cường hoàn thiện các hành lang pháp lý, thể chế, chính sách, nhằm hỗ trợ thúc đẩy hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật các quy định, chính sách, pháp luật, tiếp nhận các tham mưu, tư vấn để đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả khi tham gia vào thị trường toàn cầu.
Trong những năm qua, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua sáng kiến toàn cầu INVEST, đã và đang hợp tác với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) để cải thiện hệ sinh thái cung cấp và thúc đẩy các phương thức Giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolution – ADR) tại Việt Nam. Dự án phối hợp giữa hai bên đã và đang triển khai các hoạt động trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế dành cho các lãnh đạo, cán bộ ngành tư pháp và các đối tượng liên quan ở cấp trung ương và địa phương, trong đó bao gồm Thẩm phán, Thư ký tòa án và Trọng tài viên; đồng thời, nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích của ADR và cải thiện hạ tầng kỹ thuật số để triển khai cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến nhằm thúc đẩy hơn nữa tính hiệu quả và linh hoạt của trọng tài và các phương thức ADR khác.
(VIAC SYMPOSIUM) THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ XUYÊN BIÊN GIỚI TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ BIẾN ĐỘNG: TRANH CHẤP VÀ TRỌNG TÀI
Trong những năm gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã và đang tiếp tục vươn rộng ra thị trường quốc tế trong một số lĩnh vực chủ lực và tiềm năng như hợp tác công – tư, xây dựng, bất động sản và năng lượng tái tạo.
Với mong muốn tạo ra một diễn đàn trao đổi thông tin bổ ích, tập trung thảo luận và giải quyết những mối lo ngại của nhà đầu tư và doanh nghiệp về thị trường Việt Nam đồng thời thúc đẩy việc sử dụng trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư xuyên biên giới, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức chuỗi sự kiện mang tên VIAC SYMPOSIUM 2024. Chương trình sẽ diễn ra trong hai ngày 26 & 27/06/2024 tại Hà Nội. Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về chuỗi sự kiện, xin vui lòng truy cập https://www.viacsymposium.vn
VIAC SYMPOSIUM 2024 sẽ xoay quanh chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế bất ổn: Tranh chấp và Trọng tài”, theo đó các phiên thảo luận sẽ tập trung xem xét, đánh giá về những biến động kinh tế hiện nay cũng như trao đổi về các biện pháp thích hợp để vượt qua những trở ngại đó. Diễn đàn hướng tới quy tụ nhiều chuyên gia, luật sư, nhà nghiên cứu, cộng đồng người thực hành nghề luật, cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Tiến Đạt