Hiện nay Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi 6 luật thuế, bao gồm: Thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân, thuế Tài nguyên, thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu. Đồng thời đề xuất xây dựng, ban hành thêm thuế Tài sản. Việc đề xuất sửa đổi, ban hành các luật thuế này nhằm thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Trước thông tin các chính sách thuế sẽ thay đổi trong thời gian tới, một trong những luồng dư luận hiện nay là đồng tình và hoan nghênh định hướng và mục tiêu mà Bộ Tài chính đã thông tin. Đó là nội dung điều chỉnh giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế Giá trị gia tăng; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%. Đặc biệt, dư luận hoan nghênh việc điều chỉnh giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ (áp dụng thuế suất 17%) và doanh nghiệp siêu nhỏ (áp dụng thuế suất 15%); tiếp tục ưu đãi thuế đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ... Đồng thời nhiều ý kiến cũng tỏ ra ủng hộ việc mở rộng cơ sở thuế Thu nhập cá nhân và xác định rõ thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, phù hợp với thông lệ quốc tế...
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long cũng cho rằng, thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…), do đó, cần thận trọng và có bước đi, lộ trình cụ thể.
"Mỗi khi sửa đổi, đối với những loại thuế có tác động rộng tới mọi đối tượng. Mỗi sự điều chỉnh, sửa đổi lựa chọn chính sách đều có hai mặt được-mất. Không có sự lựa chọn nào là tuyệt đối, chỉ có ưu điểm mà không có hạn chế. Khi đã lựa chọn phải nêu rõ những mặt được và những mặt chưa được và hiệu quả của nó bằng những bằng chứng xác thực và cụ thể", ông Ngô Trí Long nhận định.
Trước yêu cầu của dư luận, dưới góc độ một chuyên gia về thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế thừa nhận, việc sửa đổi các luật thuế là một sức ép lớn đối với Bộ Tài chính vì vừa phải đặt ra yêu cầu bảo đảm các mục tiêu động viên ngân sách nhưng cũng đảm bảo làm sao môi trường kinh doanh ổn định. Đây là bài toán khó nhất.
Góp ý cho Bộ Tài chính, ông Ngô Trí Long cho rằng, để có sự thuyết phục, khi điều chỉnh tăng mức thuế của sắc thuế cần có những giải trình, dẫn chứng chi tiết hơn về tác động của đề xuất điều chỉnh đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tích lũy và tiêu dùng của doanh nghiệp và dân cư.
"Về đánh giá tác động của một số sắc thuế có sự điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo còn chưa làm rõ chi phí lợi ích của các giải pháp. Đặc biệt cần có dự báo số thu tăng, giảm dự kiến khi thực hiện chính sách thuế. Đối với chính sách mới bổ sung, điều chỉnh tăng hoặc giảm cần bổ sung đánh giá tác động đến đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách và ảnh hưởng của chính sách đến nền kinh tế nói chung. Cần nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách để có thêm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi các luật về thuế có thêm sức thuyết phục. Để minh chứng các số liệu đưa ra trong dự thảo, cần có bảng phụ lục chỉ rõ phương pháp tính toán cụ thể về các con số đó", chuyên gia Ngô Trí Long góp ý.
Cũng theo ý kiến nhiều chuyên gia, trong quá trình sửa đổi bổ sung các loại thuế, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế. Dù công cuộc này thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận nhưng thực tế vẫn tồn tại những hạn chế, đòi hỏi hệ thống thuế phải nỗ lực hơn nữa trong thực hiện Chiến lược cải cách Hệ thống thuế trong giai đoạn tới, để tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính thuế sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, giảm bớt chi phí và thời gian cho đối tượng nộp thuế. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, chống thất thu thuế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo nguồn thu ổn định, bền vững.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, ngoài việc sửa đổi các luật thuế để cơ cấu lại nguồn thu, rất cần phải đưa ra các giải pháp kiểm soát chi, tiết kiệm chi, chống nợ đọng thuế, chống thất thu thuế... Có như vậy, công cuộc cải cách các luật thuế mới có thể hoàn thành và nhận được sự đồng thuận của dư luận.