Sự sụt giảm trong mảng kinh doanh thương mại điện tử của Amazon và "cú rớt" nghìn tỷ USD

15:31 10/11/2022

Năm nay, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới này chứng kiến tăng trưởng mảng thương mại điện tử sụt giảm mạnh do người tiêu dùng trở lại với thói quen mua sắm trước đại dịch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Amazon là công ty niêm yết đầu tiên trên thế giới mất 1.000 tỷ USD vốn hóa trong vòng hơn 1 năm. Nguyên nhân được cho là sự kết hợp của lạm phát tăng cao, những chính sách tiền tệ thắt chặt và kết quả kinh doanh đáng that vọng tạo đà cho một đợt bán tháo cổ phiếu lịch sử trong năm nay.

Cụ thể, cổ phiếu của công ty thương mại điện tử và điện toán đám mây này đã giảm 4,3% vào ngày thứ 4, đẩy vốn hóa của họ xuống 879 tỷ USD từ mức kỷ lục 1,88 nghìn tỷ USD vào tháng 6/2021. Amazon và Microsoft đang trong cuộc đua gay cấn tiến đến cột mốc không mong muốn này. Hiện tại, Microsoft cũng chứng kiến vốn hóa bốc hơi 889 tỷ USD từ mức đỉnh vào tháng 11/2021.

Bên cạnh xu hướng sụt giảm chung của các cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng cao suốt từ đầu năm, mối lo về suy thoái kinh tế càng kéo tụt tâm lý nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Từ đầu năm đến nay, vốn hóa của 5 công ty công nghệ lớn nhất tại Mỹ tính theo doanh thu đã giảm gần 4.000 tỷ USD.

Trở lại với Amazon, năm nay, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới này chứng kiến tăng trưởng mảng thương mại điện tử sụt giảm mạnh do người tiêu dùng trở lại với thói quen mua sắm trước đại dịch.

Giá cổ phiếu công ty này đã giảm gần 50% do tăng trưởng doanh thu chậm lại, chi phí leo thang và lãi suất tăng mạnh. Từ đầu năm 2022, tài sản của nhà đồng sáng lập Amazon, ông Jeff Bezos, đã giảm khoảng 83 tỷ USD xuống còn 109 tỷ USD, theo thống kê của Bloomberg.

Tháng trước, Amazon dự báo mùa lễ năm nay sẽ có mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất trong lịch sử công ty do người tiêu dùng giảm chi tiêu giữa lúc kinh tế bất ổn. Động thái này lập tức khiến vốn hóa của công ty này sụt xuống dưới 1.000 tỷ USD lần đầu tiên kể từ khi cổ phiếu công nghệ “lên hương” nhờ đại dịch Covid hơn hai năm trước.

Cổ phiếu Amazon ghi nhận chuỗi giảm liên tiếp từ ngày 25/10 (trừ phiên 4/11 tăng nhẹ). Trong một tháng qua, mã này đã "bay" gần 25%. Ngày 1/11, Amazon đã lần đầu tiên tuột khỏi “câu lạc bộ” vốn hóa nghìn tỷ USD kể từ tháng 4/2020.

Từ đầu năm 2022, tài sản của nhà đồng sáng lập Amazon, ông Jeff Bezos, đã giảm khoảng 83 tỷ USD xuống còn 109 tỷ USD
Từ đầu năm 2022, tài sản của nhà đồng sáng lập Amazon, ông Jeff Bezos, đã giảm khoảng 83 tỷ USD xuống còn 109 tỷ USD.

Trong vài tháng qua, Amazon đã đóng cửa một loạt các dự án nổi tiếng, bao gồm cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa Amazon Care và ngừng thử nghiệm robot tự lái Scout. Ngoài ra, họ còn giảm đáng kể quy mô đội ngũ robot và phòng thí nghiệm ảnh chụp mặt trăng Grand Challenge. Cùng với đó là giảm bớt kế hoạch mở rộng kho hàng và đối tác giao hàng.

Một số nhân viên lo ngại rằng Amazon đang ở “Day 2” chứ không còn ở “Day 1” như trước nữa. “Day 1” là tôn chỉ mà nhà sáng lập Jeff Bezos đặt ra từng những ngày đầu và luôn theo đuổi để Amazon luôn trong trạng thái khởi đầu và đổi mới. Trong khi đó, theo nhân viên công ty, văn hóa đó dường như đang chậm lại.

Cũng giống Amazon, Meta chứng kiến vốn hóa giảm đáng kể và không còn trong "câu lạc bộ" vốn hóa nghìn tỷ. Tính tới ngày 9/11, vốn hóa của công ty mẹ Facebook chỉ còn hơn 269 tỷ USD.

"Đại gia" Apple cũng không nằm ngoài xu hướng lao dốc của cổ phiếu công nghệ. Vốn hóa của công ty này tính tới ngày 9/11 là khoảng 2.150 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức 2.913 tỷ USD vào cuối năm 2021.

TH