Sử dụng năng lượng hiệu quả chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

09:37 22/11/2022

Báo cáo mới nhất 2021 của ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, thế giới cần giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (zero) trước năm 2050, nhằm kiểm soát nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5oC, tránh các thảm họa khí hậu tàn khốc và không thể đảo ngược.

Biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta, do đó các chính phủ, chính quyền thành phố và các công ty đang từng ngày đặt ra các mục tiêu về “Net Zero”. 

Phát triển năng lượng tái tạo là một trong 3 đột phá giúp Việt Nam cụ thể hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 
 Ảnh: ITN
Phát triển năng lượng tái tạo là một trong 3 đột phá giúp Việt Nam cụ thể hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm Ảnh: ITN. 

Ở cấp độ quốc gia, việc đạt tới Net Zero đòi hỏi phải giảm mạnh lượng khí thải từ hoạt động kinh doanh thông thường, với việc loại bỏ khí thải Carbon trong khí quyển. Một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm Nhật Bản, Anh và Pháp, đã đặt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 và EU đã đặt mục tiêu này vào trọng tâm của Thỏa thuận Xanh châu Âu.

Đến nay, có 137 quốc gia, đại diện cho 88% tổng lượng phát thải thế giới, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu net-zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết net-zero cho Việt Nam vào năm 2050.

Nghiên cứu Chỉ số Net Zero các nền kinh tế năm 2022 của PwC cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt tỷ lệ giảm phát thải khí các-bon trung bình 1,2% vào năm 2021.

Nghiên cứu cho thấy, 9 trong số 13 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã giảm phát thải các-bon vào năm 2021, tuy nhiên, chỉ có New Zealand và Việt Nam vượt qua mục tiêu giảm phát thải khí các-bon dựa trên Mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC). New Zealand giảm cường độ các-bon nhiều nhất ở mức 6,7% vào năm 2021, tiếp theo là Malaysia (4,0%), Việt Nam (3,4%) và Australia (3,3%).

Các mục tiêu cấp toàn cầu và cấp quốc gia cần được chuyển hóa vào chính sách. Kết quả tích cực từ các chính phủ châu Á - Thái Bình Dương đó là một số chính sách đã được thực thi.

Tuy nhiên, để duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên của toàn cầu ở mức 1,5°C, chính phủ các nước trong khu vực cần phải có những chính sách mang tính chất quyết định, bao gồm kết hợp các mục tiêu năng lượng tái tạo với các kế hoạch loại bỏ dần sử dụng than đá; thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả với chính sách điện khí hóa; tích hợp chính sách định giá các-bon kết hợp với đổi mới, cũng như mở rộng quy mô công nghệ sạch và đảm bảo quá trình chuyển đổi hợp lý.

Với bối cảnh doanh nghiệp, định nghĩa hoạt động của “Net Zero” thường được xem là trạng thái trong đó các hoạt động trong chuỗi giá trị của công ty không gây ra tác động ròng nào đến khí hậu do phát thải Carbon. Điều này liên quan đến việc thiết lập và theo đuổi mục tiêu mức 1,5°C dựa trên cơ sở khoa học về lượng khí thải trên toàn bộ chuỗi giá trị bằng việc loại bỏ vĩnh viễn một lượng khí thải Carbon tương đương ra khỏi khí quyển để trung hòa mọi khí thải khó loại bỏ còn lại (và chỉ những loại khí thải đó).       

Net Zero là một mục tiêu tham vọng hơn áp dụng cho toàn bộ tổ chức và chuỗi giá trị của tổ chức đó.Giảm lượng khí thải Carbon này thể hiện trách nhiệm môi trường và sự cam kết của lãnh đạo không phát thải Carbon cho một công ty, địa điểm, sản phẩm, thương hiệu hoặc sự kiện... 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Các công ty muốn đạt được mục tiêu không phát thải ròng cần phải thực hiện một cách tiếp cận đa hướng. Họ phải giảm lượng khí thải Carbon từ các hoạt động, quản lý việc cắt giảm trong nội bộ và trong chuỗi cung ứng, đồng thời bù đắp lượng khí thải khó tránh khỏi trong ngắn hạn. Điều này bắt đầu với dữ liệu chính xác: để giảm lượng khí thải, trước tiên cần phải hiểu chúng. Ngoài ra, các công ty có trách nhiệm cần đảm bảo cung cấp báo cáo dữ liệu chính xác, kỹ lưỡng và khách quan để xác nhận một cách minh bạch những thông đó.

Việt Nam hiện nay có hai loại hình doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn thường đi tiên phong và một phần đã hưởng ứng việc tham gia Net Zero như Nike, Adidas, Unilever, HSBC, Epson, Coca Cola, Intel, Vinamilk, Vsip 3, Vinfast… Họ bắt kịp với các yêu cầu quốc tế về giảm phát thải cũng như sẵn sàng thực hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ có số ít hưởng ứng, trong khi khối này chiếm tới 96,7% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam. Do hạn chế về nguồn lực (cả tài chính lẫn nhân lực), các doanh nghiệp này thường sử dụng máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu, mô hình sản xuất kém hiệu quả… Đây là nguyên nhân quá trình sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo nhiều chất thải, phế thải, khí thải ra môi trường.

Với tỷ lệ 96,7%, nếu các doanh nghiệp này tham gia Net Zero sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình trong ngành dệt may, hiện có trên 50% doanh nghiệp đã tham gia chương trình xanh hóa ngành dệt may do Hiệp hội Dệt may Việt Nam khởi xướng từ năm 2018, đặc biệt khu vực TP.HCM đã triển khai rất mạnh.

Điều đáng mừng là hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ, năng lượng chính là chìa khóa của mọi vấn đề. Họ chủ động tìm kiếm và lựa chọn các giải pháp tiết kiệm năng lượng, như sử dụng đèn LED, điều hòa Inverter, thiết bị cảm biến ánh sáng… Các doanh nghiệp miền Trung và miền Nam có xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, điện mặt trời áp mái. Trong số đó, mặc dù có doanh nghiệp không hẳn ý thức tham gia Net Zero mà chỉ xuất phát từ nhu cầu tối đa hóa lợi nhuận, tuy nhiên, phần nào đã hướng đến mục tiêu này.

Đương nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có thời gian chuyển đổi và cần được hỗ trợ, trước tiên là hỗ trợ về thông tin, nâng cao nhận thức. Nếu doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ về Net Zero, khi Nhà nước ban hành chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn hay giảm phát thải khí nhà kính… họ sẽ bị vướng ngay. Khi đó mới gấp rút chuẩn bị thì chắc chắn sẽ tốn kém thêm chi phí.

Doanh nghiệp hướng tới  tiếp cận các nguồn tài chính xanh, công nghệ tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển để cải tiến, đổi mới mô hình sản xuất. Doanh nghiệp giảm phát thải càng nhiều sẽ tạo ra uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp đó, giúp tăng sức cạnh tranh và trở thành tiền đề phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

D.A (Tổng hợp)