Nhìn lại toàn cảnh cách người sáng lập Apple đã xây dựng nên một doanh nghiệp cách mạng hóa cả một ngành công nghệ.
“Bắt đầu với một chiếc máy tính trong tay
và chúng tôi đã thành công vượt ra khỏi những ước mơ ngông cuồng nhất của mình”- Steve Jobs
Tầm nhìn của Steve Jobs về máy tính đã châm ngòi cho cuộc cách mạng PC và đưa Apple trở thành một biểu tượng của doanh nghiệp Mỹ. Ngày nay Steve Jobs được nhắc tới chung với các mỹ từ như "phù thủy công nghệ" hay "huyền thoại ngành máy tính" và nếu không có ông, công ty đã đánh mất định hướng cũng như tinh thần tiên phong.
Là con nuôi của một thợ máy ở Mountain View, California, Steve Jobs đã sớm thể hiện mối quan tâm đến thiết bị điện tử và công nghệ. Khi còn học trung học, Jobs đã mạnh dạn gọi điện cho người đồng sáng lập Hewlett-Packard và chủ tịch William Hewlett để xin tham gia vào một phần dự án trường học. Ấn tượng với tinh thần nhiệt huyết của Jobs, Hewlett không chỉ giao cho ông một khối lượng công việc mà còn ngỏ lời đề nghị thực tập mùa hè tại Hewlett-Packard. Chính tại đó, Jobs đã gặp và kết bạn với Steve Wozniak, một kỹ sư trẻ hơn ông 5 tuổi có sở thích mày mò máy tính.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Jobs đăng ký vào trường Cao đẳng Reed ở Portland. Tuy nhiên ông đã bỏ học sau một học kỳ khi bị thu hút bởi chủ nghĩa tâm linh phương Đông và nhận công việc bán thời gian thiết kế trò chơi điện tử cho Atari để tài trợ cho chuyến đi đến Ấn Độ nghiên cứu về văn hóa và tôn giáo nơi này. Người đồng sáng lập Atari, Nolan Bushnell chia sẻ: "Steve là người có giá trị. Anh ấy thường là người thông minh nhất và thể hiện cho mọi người biết điều đó."
Sau này Jobs trở lại Hoa Kỳ, ông đã nối lại tình bạn năm xưa với Wozniak khi người này đang cố gắng chế tạo một chiếc máy tính cỡ nhỏ. Đối với Wozniak, đó chỉ là một sở thích, nhưng Jobs sở hữu tầm nhìn xa trông rộng đã nắm bắt được tiềm năng tiếp thị của một thiết bị công nghệ và thuyết phục Wozniak hợp tác kinh doanh với mình. Năm 1975, Jobs và Wozniak 20 tuổi thành lập cửa hàng trong nhà để xe của cha mẹ Jobs gọi là công ty liên doanh Apple và bắt đầu làm việc trên nguyên mẫu của Apple I. Để có được số vốn 1.350 đô la mở công ty, Steve Jobs đã bán chiếc Volkswagen và chiếc máy tính Hewlett-Packard của Steve Wozniak cũng không còn giữ được. Năm 1977, hai nhà sáng tạo giới thiệu Apple II - máy tính cá nhân đầu tiên có đồ họa màu và bàn phím. Được thiết kế cho người mới bắt đầu, Apple II thân thiện với người dùng trở thành một thành công to lớn, mở ra kỷ nguyên của máy tính cá nhân. Doanh thu năm đầu tiên đạt 3 triệu đô la và chỉ hai năm sau, doanh thu tăng vọt lên 200 triệu đô la.
Tuy nhiên đến năm 1980, ánh hào quang của Apple bắt đầu tàn lụi. Cạnh tranh gia tăng kết hợp với doanh số bán Apple III sụt giảm đã khiến công ty mất gần một nửa thị trường vào tay IBM. Đối mặt với tình hình không mấy lạc quan, Jobs đã giới thiệu Apple Macintosh vào năm 1984. Là máy tính cá nhân đầu tiên có giao diện đồ họa người dùng được điều khiển bằng chuột, Macintosh được đánh giá như một bước đột phá về tính năng đơn giản với người tiêu dùng. Điều mà Jobs không lường trước được khi coi mát tính Mac với giá bán 2495 đô la là một mẫu máy tính gia đình. Giá bán quá cao khiến doanh số bán hàng không đạt như dự đoán, Jobs đã chuyển hướng giới thiệu Mac như một chiếc máy tính dành cho doanh nghiệp. Một lần nữa ông không thành công do dòng máy tính này lúc bấy giờ có bộ nhớ thấp, không có ổ cứng và khả năng kết nối mạng không đáp ứng được các tiêu chí mà đa số doanh nghiệp Mỹ mong muốn. Liên tiếp thất bại đã khiến Jobs xung đột với hội đồng quản trị của Apple và vào năm 1983, ông đã rời khỏi hội đồng quản trị và nhường vị trí lại cho CEO John Sculley, người được lựa chọn giúp ông điều hành Apple. Bị tước bỏ mọi quyền lực và quyền kiểm soát, Jobs cuối cùng đã bán cổ phiếu Apple của mình và từ chức vào năm 1985.
Cuối năm đó, sử dụng một phần số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu, Jobs đã thành lập NeXT Computer Co., với mục tiêu xây dựng một chiếc máy tính đột phá sẽ cách mạng hóa nghiên cứu và giáo dục đại học. Được giới thiệu vào năm 1988, máy tính NeXT tự hào sở hữu một loạt các cải tiến bao gồm tốc độ xử lý nhanh, đồ họa đặc biệt và ổ đĩa quang. Nhưng với giá 9.950 đô la, NeXT quá đắt để đạt đủ doanh số bán hàng duy trì hoạt động của công ty. Không nản lòng, Jobs chuyển trọng tâm từ phần cứng sang phần mềm. Ông cũng bắt đầu chú ý hơn đến công việc kinh doanh khác là Pixar Animation Studios mà ông đã mua lại từ George Lucas vào năm 1986.
Sau khi cắt hợp đồng với Disney, Jobs bắt đầu sản xuất bộ phim hoạt hình đầu tiên. Jobs đã đưa Pixar ra công chúng vào năm 1996 và vào cuối ngày giao dịch đầu tiên, 80% cổ phần của ông của công ty trị giá 1 tỷ đô la. Trong vòng vài ngày sau khi Pixar lên sàn chứng khoán, Apple đã mua NeXT với giá 400 triệu USD và bổ nhiệm lại Jobs vào hội đồng quản trị của Apple với tư cách là cố vấn cho Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Apple. Và hy vọng Jobs có thể giúp công ty xoay chuyển tình thế.
Vào cuối tháng 3 năm 1997, Apple thông báo lỗ hàng quý 708 triệu đô la. Ba tháng sau khi Amelio từ chức, Jobs tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành tạm thời đã ký một thỏa thuận với Microsoft nhằm giúp đảm bảo sự tồn tại của Apple. Theo thỏa thuận, Microsoft đã đầu tư 150 triệu đô la và đồng ý “hợp tác trên một số mặt trận bán hàng và công nghệ”. Tiếp theo, Jobs đã cài đặt bộ vi xử lý PowerPC G3 trong tất cả các máy tính của Apple giúp đẩy mạnh tốc độ nhanh hơn so với các máy tính Pentium cạnh tranh. Ông cũng là người dẫn đầu sự phát triển của iMac, một dòng máy tính để bàn gia đình giá cả phải chăng mới, ra mắt vào tháng 8 năm 1998 đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Dưới sự chèo lái của Jobs, Apple nhanh chóng có lãi trở lại và đến cuối năm 1998 công ty đạt doanh thu 5,9 tỷ đô la.
Công ty một lần nữa “sống lại” và tung ra các sản phẩm đột phá đưa tên tuổi Apple vang xa. "Cuộc đời mới" của Apple chỉ mới bắt đầu. Trong thập kỷ tiếp theo, công ty tung ra một loạt sản phẩm mang tính cách mạng bao gồm máy nghe nhạc kỹ thuật số di động iPod vào năm 2001, thị trường trực tuyến có tên Apple iTunes Store vào năm 2003, điện thoại iPhone vào năm 2007 và máy tính bảng iPad vào năm 2010. Trong đó thiết kế và chức năng của những thiết bị này đã gây tiếng vang với người dùng trên toàn thế giới.
Điều không may là trái ngược với những thành công trong sự nghiệp, Jobs gặp phải các vấn đề sức khỏe. Vào giữa năm 2004, ông thông báo trong một email rằng ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật để loại bỏ một khối u ung thư khỏi tuyến tụy. Vào tháng 1 năm 2011, sau ca cấy ghép gan, Jobs cho biết ông đang nghỉ việc chữa bệnh nhưng vẫn sẽ tiếp tục với tư cách là Giám đốc điều hành và tham gia vào các quyết định chiến lược lớn của công ty. Tám tháng sau, vào ngày 24 tháng 8, ban giám đốc của Apple thông báo rằng Jobs đã từ chức Giám đốc điều hành và vị trí này sẽ được thay thế bởi COO Tim Cook. Trong lá thứ từ chức, ông viêt: “Tôi luôn nói rằng nếu có một ngày tôi không còn đáp ứng được nhiệm vụ và kỳ vọng với tư cách là Giám đốc điều hành của Apple, tôi sẽ là người đầu tiên thông báo. Thật không may, ngày đó đã đến.”
Vào tháng 10 năm 2011, Jobs đã qua đời ở tuổi 56 do các biến chứng liên quan đến bệnh ung thư tuyến tụy. Jobs từng mô tả mình là một "kẻ lãng mạn vô vọng", là người chỉ muốn tạo ra sự độc đáo. Quả thật, cuộc đời Steve Jobs giống như những gì mà ông thường chia sẻ: phi thường và khác biệt.
TL