![]() |
Startup xe điện Nikola đứng trước nguy cơ phá sản |
Nguồn tin của Wall Street Journal ngày 6/2 cho biết Nikola đang làm việc với hãng luật Pillsbury Winthrop Shaw Pittman để đánh giá các phương án, từ rao bán đến tái cấu trúc thông qua phá sản. Thời gian qua, hãng xe điện này vẫn chật vật huy động vốn. Lượng tiền mặt của họ cũng sụt giảm nhanh chóng khi lỗ tới hàng trăm nghìn USD cho mỗi xe bán ra.
Ngày 6/2, Nikola cũng xác nhận đang đánh giá nhiều lựa chọn, trong đó có tái cấu trúc tài chính. Tuy nhiên, hãng này từ chối trả lời liệu công ty có đang tìm hiểu phương án phá sản hay không.
Được biết tháng trước, Nikola đã cân nhắc bán một phần hoặc toàn bộ công ty. Tính đến cuối tháng 9/2024, tiền và các khoản tương đương tiền của hãng chỉ còn 198 triệu USD, giảm mạnh so với 464 triệu USD cuối năm 2023.
Cổ phiếu Nikola giảm 20% xuống 0,6 USD trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 6/2. Vốn hóa công ty hiện còn 63 triệu USD trong khi cổ phiếu bốc hơi 99% giá trị kể từ sau khi niêm yết năm 2020.
Năm ngoái, Giám đốc Tài chính của Nikola Thomas Okray thông báo với nhà đầu tư rằng công ty này chỉ đủ tiền mặt để hoạt động đến hết tháng 4 năm nay. Theo báo cáo tài chính quý III/2024, công ty sản xuất được tổng cộng hơn 80 xe tải với khoản lỗ ròng gần 200 triệu USD.
Nikola được thành lập từ năm 2014 bởi nhà sáng lập Trevor Milton tại thành phố Salt Lake, bang Utah. Ban đầu Nikola tập trung vào lĩnh vực phát triển và sản xuất các loại xe chạy điện, từ xe tải, xe khách, xe bán tải đến cả xe con.
Mặc dù cùng lấy tên của nhà khoa học Nikola Tesla nhưng hướng đi của startup này lại khác hẳn so với công ty xe điện nổi tiếng Tesla của Elon Musk. Sản phẩm của Nikola Motors chủ yếu tập trung vào các mẫu concept xe tải và xe bán tải chạy điện.
![]() |
Nikola được thành lập bởi nhà sáng lập Trevor Milton |
Đến năm 2020, công ty chính thức được IPO trên sàn chứng khoán Mỹ và được định giá tới 3,3 tỷ USD bất chấp việc mọi sản phẩm của công ty vẫn chỉ ở dạng concept chứ chưa có một chiếc xe nào được thực sự bán ra.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đây, ngay trong những phiên giao dịch đầu sau khi IPO, giá trị của Nikola llúc bấy giờ đã được "thổi" lên nhanh chóng. Vốn hoá thị trường của công ty được đẩy lên 30 tỷ USD chỉ sau vài phiên, vượt qua cả công ty lâu đời đang nắm thị phần lớn trong mảng sản xuất ô tô là Ford Motor.
Đến năm 2022, nhà sáng lập kiêm cựu CEO Trevor Milton bị kết tội lừa đảo, vì phóng đại khả năng kinh doanh và công nghệ sản xuất của công ty. Ông bị kết án 4 năm tù và vẫn đang kháng cáo.
Nikola không phải hãng xe điện duy nhất gặp khó gần đây. Cũng như trên toàn cầu, thị trường ôtô điện tại nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Các hãng xe truyền thống, từ Ford đến GM đều giảm quy mô và hoãn kế hoạch sản xuất xe điện. Tesla - hãng đóng góp 55% doanh số năm ngoái - cũng cảnh báo "tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại đáng kể". Nhiều hãng xe điện Mỹ đã phải nộp đơn xin phá sản, như Fisker hay Canoo.
Theo Wall Street Journal, những thương hiệu ô tô trẻ sáng tạo nhưng lại gặp khó khăn trong việc triển khai nguyên tắc cơ bản về sản xuất để có lãi. Trong khi đó, sự quan tâm của người Mỹ đối với xe chạy bằng pin đã nguội dần.
Theo nhà phân tích Jiong Shao của Barclays, không giống như các công ty thông thường, các startup xe điện phải không ngừng “vung tiền” để phát triển và xây dựng các mô hình mới. Họ không thể đơn thuần cắt giảm chi phí để giảm thiểu thua lỗ.
“Các công ty ô tô bắt đầu cạnh tranh để được trang bị chip hoặc hệ thống tiên tiến nhất. Điều đó có nghĩa là những thay đổi lớn trong ngành xe điện sắp xảy ra”, người sáng lập công ty cung cấp giải pháp xe thông minh Pateo của Trung Quốc Ken Ying nói và cho biết các startup cần tập trung nguồn lực để tạo sự khác biệt trên thị trường, giống như BYD. Thành công của hãng này đến từ việc có thể chế tạo pin sử dụng lâu hơn và rẻ hơn so với các nhà sản xuất đến từ Mỹ, Nhật.