Startup Kilo, hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử B2B (Business to Business) đã đóng cửa, tờ DealStreetAsia đưa tin.
Theo thông tin từ cổng đăng ký kinh doanh, Công ty TNHH Kilo MDC có người đại diện là bà Trần Thị Bích Thủy, địa chỉ tại 48A Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM, đang ở trạng thái tạm ngừng kinh doanh.
Dù chưa rõ lý do startup Kilo ngừng kinh doanh là gì, nhưng có thể thấy thị trường thương mại điện tử B2B Việt Nam hiện đang rất cạnh tranh, khi có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn.
Kilo là startup được thành lập bởi ông Kartick Narayan, cựu CMO (Chief Marketing Officer - Giám đốc marketing) của Groupon và Giám đốc kinh doanh của Tiki. Đây là nền tảng giúp kết nối nhà bán buôn với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Mặc dù Kilo được ghi nhận "tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn", nhưng khả năng startup này quay lại mảng thương mại điện tử (TMĐT) B2B tại Việt Nam là rất thấp.
Động thái của Kilo diễn ra vào thời điểm ngành thương mại điện tử B2B (Business to Business) đang phải vật lộn với môi trường vĩ mô ảm đạm. Lạm phát tăng và giá nhiên liệu đang đè nặng lên các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này, khiến họ phải thực hiện các biện pháp mạnh tay để cắt giảm chi phí.
Kilo được ra mắt vào năm 2020, mục tiêu số hóa chuỗi giá trị bán lẻ của Việt Nam bằng công nghệ. Được biết, startup Kilo ban đầu ra đời với mục tiêu giúp kết nối các nhà bán buôn với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), đồng thời mong muốn số hóa chuỗi giá trị bán lẻ địa phương thông qua công nghệ.
Với nền tảng và công cụ sẵn có, Kilo cho phép các đối tác quản lý doanh nghiệp trên nhiều kênh bán hàng, chẳng hạn như ứng dụng của Kilo, Facebook và Zalo, đồng thời tối ưu hóa vòng quay hàng tồn kho để tiết kiệm chi phí và giảm rủi ro trong dài hạn.
Ông Kartick Narayan - nhà sáng lập và CEO tin rằng, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là trụ cột của nền kinh tế bán lẻ tại Việt Nam và phục vụ 80% giao dịch mua hàng.
Năm 2021, Kilo huy động thành công 5 triệu USD cho vòng gọi vốn Series A. Đây là khoản tài trợ do Altos Ventures dẫn đầu cùng các nhà đầu tư như January Capital và các nhà đầu tư vòng trước đó là Goodwater Capital, Ascend Vietnam Ventures, Decisive Capital Management, Ratio Ventures...
Ở thời điểm đó, Kilo cho biết, sẽ sử dụng nguồn vốn huy động để phát triển nền tảng chăm sóc khách hàng và gia tăng đội ngũ nhân viên; bổ sung tính năng như tài chính, hậu cần và tạo cửa hàng thương mại điện tử tự phục vụ cho những doanh nghiệp SMEs. Tính tới thời điểm này, Kilo đã trải qua 4 vòng gọi vốn, theo dữ liệu từ CrunchBase.
Dù startup Kilo đã bỏ cuộc chơi thương mại điện tử B2B, nhưng vẫn còn đó những tên tuổi lớn, như VinShop, Telio, Karavan, hay gần đây là Ninja Mart.
Thu Hằng (T/h)