Startup thực tế ảo Nhật Bản thu hút đầu tư hậu đại dịch

14:37 24/10/2021

Khi đại dịch COVID-19 phủ bóng đen lên cuộc sống hàng ngày, từ mua sắm đến tham dự các buổi hòa nhạc và triển lãm thương mại, những nỗ lực tái tạo trải nghiệm thường nhật trong thế giới ảo thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Nhân viên tại công ty khởi nghiệp thực tế ảo Hikky của Nhật Bản tổ chức một cuộc họp bằng cách sử dụng ảnh đại diện.
Nhân viên tại công ty khởi nghiệp thực tế ảo Hikky của Nhật Bản tổ chức một cuộc họp bằng cách sử dụng ảnh đại diện. (Ảnh: Hikky)

Hikky, một công ty khởi nghiệp Nhật Bản chuyên tổ chức các sự kiện ảo, gần đây đã thu hút hơn 60 doanh nghiệp triển lãm đến một hội chợ thương mại được tổ chức online. Khách tham quan truy cập miễn phí sự kiện Chợ ảo kéo dài hai tuần thông qua cách thức như đeo tai nghe thực tế ảo và đăng nhập vào ứng dụng trò chơi xã hội VRChat. Chẳng hạn, startup đã tái hiện nhà ga Akihabara của Tokyo, cho phép người tham quan sử dụng thẻ ảo để qua cửa soát vé và nhảy lên tàu được tạo ra bằng hình ảnh 3D và kỹ thuật số.

VR, đôi khi được gọi là metaverse, cho đến nay chủ yếu được sử dụng trong trò chơi và hiện được Hikky áp dụng để khai thác công nghệ quảng bá sản phẩm. Những người ủng hộ nói rằng VR mang lại trải nghiệm phong phú hơn so với các nền tảng như Instagram, Youtube. Giám đốc điều hành Hikky, Yasushi Funakoshi cho biết: “Trước đây không có nhiều các buổi tụ tập trong không gian ảo nhưng thời điểm dịch bùng phát, các công ty như chúng tôi phải sử dụng VR”. Các thiết bị VR đắt tiền và công nghệ phần cứng như máy tính có vi xử lý tốc độ cao là những rào cản thường thấy đối với ngành này. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, các mẫu tai nghe đã có giá cả phải chăng hơn trong khi các công cụ chơi game giúp các nhà phát triển sản xuất nội dung dễ dàng hơn.

Đại dịch đã giúp đẩy nhanh áp dụng kỹ thuật số khi người dân dành nhiều thời gian ở nhà. Số lượng người dùng VRChat hoạt động trung bình trong tháng 9 là khoảng 15.000 người, tăng 47% so với một năm trước đó và gấp 2,4 lần so với cùng tháng năm 2019. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và thúc đẩy các công ty từ nhiều ngành khác nhau xem xét lĩnh vực này. Facebook đang phát triển Horizon, một trò chơi xã hội truy cập bằng Oculus, trong khi Microsoft sử dụng tai nghe do công ty sản xuất để hỗ trợ nhân viên cộng tác ảo. Các công ty trò chơi video như Roblox và Epic Games, nhà phát triển của tựa game đình đám Fortnite cũng đã tổ chức các buổi hòa nhạc ảo.

Hikky cho biết công ty và thị trường trong nước có một số lợi thế cạnh tranh trước những "gã khổng lồ" nước Mỹ. Một là tiềm năng tạo ra nội dung bùng nổ. Nhật Bản sở hữu số lượng lớn những người sáng tạo anime. Một trong những nhân vật đại diện phổ biến nhất là Kizuna AI có hàng triệu người theo dõi trên YouTube, TikTok và nền tảng video Trung Quốc Bilibili. Hikky bắt đầu vào năm 2018 với tư cách là một cộng đồng nhỏ những người hâm mộ nhân vật ảo.  Phio, một giám đốc điều hành của Hikky đã tìm thấy lối thoát khỏi căn bệnh trầm cảm khi khám phá thế giới ảo nơi anh có thể tương tác mà không cần gặp mặt trực tiếp.

Danh tiếng của công ty ngày càng được nâng cao trong thời gian địa dịch. Hikky gọi Chợ ảo là triển lãm ảo lớn nhất thế giới, đồng thời tổ chức các sự kiện âm nhạc, truyện tranh và chơi game. Tuy nhiên, gần đây Hikky đã có thêm nhiều đối thủ như Cluster, một nền tảng xã hội ảo đã tái hiện các quận Shibuya và Harajuku của Tokyo. Công ty khởi nghiệp này cho biết khoảng 400.000 người đã đến thăm sự kiện Halloween ở Shibuya vào năm ngoái.

Một thách thức đối với Hikky và cộng đồng doanh nghiệp là làm thế nào để giúp người tham sự truy cập sự kiện mà không cần đến tai nghe VR đắt tiền. Các công ty hy vọng một động thái như vậy sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận của họ ra ngoài người dùng VR nhưng cũng lưu ý về nguy cơ làm giảm chất lượng nội dung. Rào cản khác là tích hợp các tùy chọn thanh toán vào trải nghiệm VR. Hiện tại, các cửa hàng ảo chỉ có thể hướng người dùng đến các trang thương mại điện tử.

Hikky gần đây đã tiết lộ kế hoạch "Trung tâm mua sắm đầu tiên trên thế giới ảo", nơi người dùng có thể truy cập vào các cửa hàng bất cứ lúc nào. "Mục tiêu của chúng tôi là đưa thị trường ảo đến gần hơn với cuộc sống hàng ngày", Phio nói. "Chúng ta đang sống trong thế giới 2D bên trong màn hình của điện thoại thông minh và PC nhưng điều đó sẽ dần được thay thế bằng 3D".

TL