Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC-XTTM), trong năm 2023, trung tâm đã triển khai thực hiện 3 đề án KC quốc gia với tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng; tư vấn, hướng dẫn cho 19 cơ sở CNNT đăng ký hỗ trợ vốn KC địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ 2,87 tỷ đồng.
Nguồn vốn KC quốc gia và địa phương đã được phát huy hiệu quả, góp phần tăng cường sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế của các cơ sở CNNT. Mặc dù mức hỗ trợ đối với từng dự án chưa lớn nhưng đó là sự khẳng định hướng đi đúng của các cơ sở CNNT trong phát triển kinh tế, được cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, giúp chủ đầu tư, doanh nghiệp vững tin trong quá trình đầu tư. Các cơ sở CNNT sau khi nhận được hỗ trợ từ nguồn kinh phí KC đã có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Công Thương.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm tiếp tục triển khai tư vấn hồ sơ cho các đơn vị đăng ký KC quốc gia năm 2024 và tư vấn, hướng dẫn lập dự án đề nghị hỗ trợ vốn KC địa phương dự kiến cho 14 cơ sở, với kinh phí ước đạt hơn 2 tỷ đồng. Chủ yếu là các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực: Sản xuất nội thất từ gỗ công nghiệp, chế biến dược liệu, xay xát và chế biến lúa gạo, sản xuất nem chả, sản xuất đồ gia dụng từ nhôm và inox…
Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động KC ở Quảng Bình bị ảnh hưởng không nhỏ do còn những khó khăn. Quy mô các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh phần lớn nhỏ lẻ, ngành nghề hạn chế, vì vậy, số lượng cơ sở đủ điều kiện để hưởng các cơ chế chính sách về KC còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KC chưa thực sự đến được với các cơ sở CNNT đóng trên những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí Trung ương và địa phương cấp cho các hoạt động KC còn hạn chế, trong khi nhu cầu thực tế cần hỗ trợ của doanh nghiệp lại rất lớn.
Phó Giám đốc Trung tâm KC-XTTM tỉnh Dương Văn Minh cho biết: Trung tâm sẽ tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực ngoài kinh phí KC tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn. Việc tìm kiếm, chọn lọc, phân loại các cơ sở CNNT để ưu tiên hỗ trợ vốn KC sẽ theo hướng đầu tư có trọng điểm, chú trọng phát triển các ngành có lợi thế của tỉnh, ngành nghề có sản phẩm phục vụ du lịch. Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm CNNT; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, khuyến khích hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị, khoa học-công nghệ mới vào phát triển sản xuất theo hướng sản xuất bền vững, sản xuất công nghệ xanh, công nghệ sinh học tái tạo, đặc biệt là ngành nghề giải quyết được nhiều lao động; góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho con em tại địa phương, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Trọng Lãnh