![]() |
ShopeeFood và Grab không chỉ chiếm lĩnh thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam và còn nhiều thị trường ở Đông Nam Á. |
Trong báo cáo "Nền tảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á" của hãng nghiên cứu Momentum Works, ước tính quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam mở rộng từ 1,4 tỷ USD vào 2023 lên 1,8 tỷ USD năm 2024.
2 "gã khổng lồ" ShopeeFood và Grab chia nhau phần lớn thị phần ở Việt Nam với tỷ lệ lần lượt là 47% và 48%. Lượng thị phần ít ỏi còn lại thuộc về Be (4%) và Gojek (1%) - ứng dụng đã rời đi từ tháng 9/2024.
Bước sang năm 2025, nếu không có thêm nền tảng mới gia nhập thị trường, ngành giao đồ ăn tại Việt Nam sẽ tiếp tục bị cô đặc và chỉ còn là "sân chơi" cho 3 ứng dụng.
Sự phát triển của thị trường giao đồ ăn có động lực từ cả 3 phía gồm người dùng, quán ăn - nhà hàng và nền tảng. Theo đó, người Việt ngày càng ưu chuộng đặt đồ ăn nấu sẵn qua ứng dụng vì tính tiện lợi, nhiều ưu đãi.
Khảo sát năm ngoái của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho biết 30% người được hỏi gọi đồ ăn giao tận nơi cho bữa trưa, chỉ ít hơn lựa chọn mang cơm nhà (46%) nhưng cao hơn thói quen đi ăn ngoài (12%).
Dịp Tết vừa rồi, khảo sát của GrabFood cho biết có 19% người được hỏi chọn đặt giao đồ ăn về nhà cho bữa tiệc cuối năm. Sở thích ăn uống vặt cũng góp phần giúp các nền tảng gọi món bận rộn, với món ăn phổ biến nhất được chọn là trà sữa (77%) và món tráng miệng - đồ ngọt (37%), theo Q&Me.
Cùng với đó, quán ăn - nhà hàng cũng tích cực gia nhập các nền tảng để tìm kiếm khách. Tính đến tháng 11/2024, GrabFood cho hay số lượng đối tác đã tăng gấp 5 lần so với năm đầu tiên mở dịch vụ vào tháng 6/2018.
Dù tăng trưởng nhanh nhất khu vực, thị trường giao đồ ăn Việt Nam vẫn nhỏ nhất khi xét về quy mô trong 6 nước Đông Nam Á được thống kê, cùng với Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Malaysia. Quốc gia vạn đảo dẫn đầu với thị trường 5,4 tỷ USD, tăng trưởng về nhì ở mức 18%.
Theo Momentum Works, Việt Nam và Indonesia là hai động lực giúp thị trường giao đồ ăn tại Đông Nam Á phục hồi năm qua. Cụ thể, sau 2 năm tăng trưởng "dập dìu" quanh mức 5%, lĩnh vực giao đồ ăn tại Đông Nam Á năm 2024 đã phục hồi trong năm với mức tăng 13% so với cùng kỳ, đạt tổng giá trị giao dịch (GMV) lên đến 19,3 tỷ USD.
Trong năm vừa qua, tổng quy mô GMV của Grab đạt 10,4 tỷ USD, áp đảo hoàn toàn so với các đối thủ như FoodPanda (2,7 tỷ USD), ShopeeFood (2,3 tỷ USD), Gojek (1,9 tỷ USD), Line Man (1,7 tỷ USD).
Thị trường Đông Nam Á cũng chứng kiến sự thay đổi thứ hạng GMV của một số nền tảng, điển hình như việc ShopeeFood vượt qua Gojek để trở thành ứng dụng được yêu thích lớn thứ 3 trong khu vực. Dẫu vậy, thương vụ sáp nhập tiềm năng giữa Grab và Gojek có thể định hình lại cục diện cạnh tranh năm nay.
Đáng chú ý, TikTok đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ địa phương tại Indonesia và Thái Lan, cho phép người dùng mua voucher mảng F&B và các dịch vụ khác. Dù còn ở giai đoạn sơ khai, sự tham gia của TikTok có thể làm thay đổi thị trường giao đồ ăn, đặc biệt nếu nền tảng này bắt tay với các ứng dụng giao hàng.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng của thị trường F&B chỉ đạt 4,6% và đang có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập của dịch vụ giao đồ ăn ngày càng sâu nhờ sự xuất hiện của những phân khúc khách hàng mới, cũng như chiến lược phát triển mới mẻ từ nền tảng.
"Sau nhiều năm tập trung vào lợi nhuận, các nền tảng giao đồ ăn hàng đầu Đông Nam Á đã lấy lại đà tăng trưởng để thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo", ông Jianggan Li, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Momentum Works, nhận định.
Theo ông Li, xu hướng chung của thị trường giao đồ ăn hiện nay là các nền tảng đang chuyển hướng từ giai đoạn "đốt tiền" sang giai đoạn tập trung vào hiệu quả. Việc cải thiện hiệu quả vận hành và chiến lược khai thác khách hàng một cách sắc nét sẽ giúp các nền tảng thích nghi tốt hơn với xu hướng này và tạo ra sự tăng trưởng bền vững
Mặt khác, các ứng dụng cũng cố gắng tối ưu hóa chi phí lẫn giá trị của từng đơn hàng để sinh lời, chủ yếu thông qua những giải pháp như cải thiện hoạt động giao hàng, giảm chi phí vận chuyển và phân loại khách hàng thành các nhóm phổ thông, tiêu chuẩn và cao cấp.