Tập đoàn thời trang nhanh Shein mới đây đã đệ đơn kiện đối thủ Temu lên tòa án liên bang Washington (Mỹ) với cáo buộc đánh cắp thiết kế, vi phạm sở hữu trí tuệ, lừa đảo người tiêu dùng và xây dựng mô hình kinh doanh phi đạo đức từ hàng giả, hàng nhái.
Trớ trêu thay, chính Shein cũng đang phải đối mặt với những cáo buộc tương tự từ nhiều thương hiệu và nghệ sĩ độc lập khác, bao gồm Levi Strauss và H&M.
Trong đơn hiện, Shein cáo buộc Temu, thuộc sở hữu của PDD Holdings, đang "ngụy trang" thành một thị trường trực tuyến hợp pháp khi khuyến khích người bán ăn cắp thiết kế của các thương hiệu khác và sau đó ngăn cản họ xóa sản phẩm khỏi nền tảng, ngay cả khi họ đã thừa nhận hành vi vi phạm.
"Temu thu hút người tiêu dùng Mỹ sử dụng ứng dụng của mình bằng những lời hứa về mức giá cực thấp. Nhưng Temu không được kiếm lời từ việc bán các sản phẩm này, vì chúng được định giá quá thấp đến mức họ phải trợ cấp cho mỗi lần bán, lỗ tiền trên mỗi giao dịch", đơn kiện cho biết.
Đơn kiện cho rằng, chỉ bằng cách khuyến khích người bán vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bán hàng giả hoặc hàng kém chất lượng, Temu mới có thể hy vọng giảm thiểu các khoản lỗ lớn mà họ đang trợ cấp.
Shein thậm chí còn cho rằng, Temu bắt chước cách quảng cáo, giả mạo là Shein trên mạng xã hội X để đánh lạc hướng khách hàng, lừa họ rời khỏi nền tảng Shein để sang nền tảng Temu. Đơn kiện đã đính kèm ảnh chụp một quảng cáo Google do Temu tài trợ, trong đó tiêu đề hiển thị tên Shein nhưng link đích lại dẫn về Temu.
Shein khẳng định, để lừa dối người tiêu dùng, Temu đã trả tiền cho những KOL có ảnh hưởng trên mạng xã hội để tuyên bố sai sự thật rằng sản phẩm của Temu, thường là hàng nhái Shein, rẻ hơn và chất lượng cao hơn so với hàng Shein chính hãng.
Cuối cùng, Shein nhấn mạnh rằng, Temu đã nỗ lực hết sức để bắt chước Shein, bao gồm cả việc thu hút nhân lực, nhân viên và nhà cung cấp.
Đơn kiện dài 80 trang của Shein còn bao gồm hơn một chục ví dụ về quần áo và thiết kế mà Temu bị cáo buộc đã sao chép.
Công ty yêu cầu tòa án ra phán quyết có lợi cho mình và ban hành lệnh cấm Temu sử dụng thông tin bí mật của Shein, cùng với các yêu cầu khác.
Thực tế, từ khi trở thành ngôi sao mới như Shein, Temu vấp phải sự phản đối không chỉ tại Đông Nam Á mà trên toàn thế giới. Một đài truyền hình Đức đã tiến hành thử nghiệm các sản phẩm mua từ Temu. Họ phát hiện một số làm bằng vật liệu kém chất lượng, nhanh hỏng. Khi hỏi người tiêu dùng ở Đức, một phần tư (25%) nghi ngờ về mức giảm giá lớn và hơn một nửa (51%) cảm thấy bị thao túng bởi quảng cáo.
Temu, AliExpress, Shein và các đối thủ cạnh tranh khác cũng đang vào tầm ngắm của doanh nghiệp và giới chức phương Tây trong việc xả hàng giá rẻ. Đầu tháng 6, Temu được thông báo sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu dành cho các công ty có hơn 45 triệu người dùng thường xuyên, gọi là VLOP. Chúng bao gồm giám sát chặt hành vi niêm yết và bán hàng giả, sản phẩm không an toàn hoặc bất hợp pháp và các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Mới nhất, ngày 14/8, chính quyền thành phố Seoul, Hàn Quốc, cho biết, đã tiến hành kiểm tra an toàn đối với 144 sản phẩm được bán trên 3 ứng dụng mua sắm của Trung Quốc gồm AliExpress, Temu và Shein từ ngày 12/7 – 9/8. Các sản phẩm được kiểm tra bao gồm 94 hộp đựng thực phẩm, 13 sản phẩm trang điểm, 28 xăng đan và mũ, cùng với 9 sản phẩm vệ sinh. Kết quả cho thấy 11 sản phẩm có vấn đề về an toàn, theo hãng tin Yonhap.
Shein và Temu là hai nhà bán lẻ trực tuyến từng gây chấn động ngành công nghiệp bán lẻ toàn cầu với hàng loạt sản phẩm giá rẻ và khả năng đáp ứng xu hướng nhanh hơn nhiều so với các đơn vị bán lẻ truyền thống.
Giữa “cuộc chiến” tranh giành thị phần, Shein và Temu đã liên tục đưa nhau ra toà với loạt cáo buộc đầy tai tiếng. Năm ngoái, Temu cũng kiện Shein về bản quyền và cáo buộc Shein sử dụng “cách thức mafia” để doạ nạt các nhà cung cấp và bắt họ phải ký thoả thuận độc quyền.
Mai Anh