![]() |
Shein và Temu ảnh hưởng gì khi ông Donald Trump siết thuế nhập khẩu hàng giá rẻ ? |
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh hành pháp tăng thuế nhập khẩu với các gói hàng giá trị thấp từ Trung Quốc, một động thái có thể làm đảo lộn mô hình kinh doanh của các ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc như Shein, Temu hay AliExpress.
Cụ thể, ngày 8/4, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp chính thức tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị dưới 800 USD từ Trung Quốc vào Mỹ thông qua hệ thống bưu chính quốc tế. Theo đó, từ ngày 2/5, các gói hàng sẽ phải chịu mức thuế lên đến 90% giá trị hoặc tối thiểu 75 USD/món hàng (tức gấp 3 lần), thay cho mức thuế cũ 30% hoặc 25 USD như ban đầu. Đáng chú ý, mức thuế tối thiểu này sẽ tiếp tục tăng lên 150 USD kể từ ngày 1/6.
“Chúng ta phải bảo vệ doanh nghiệp và người lao động Mỹ khỏi sự cạnh tranh không công bằng”, ông Trump tuyên bố khi công bố chính sách mới.
Động thái này đánh dấu bước ngoặt trong chính sách thương mại của Mỹ, khi chấm dứt quy định lâu đời mang tên de minimis, vốn cho phép miễn thuế và miễn kiểm tra hải quan đối với các kiện hàng giá trị thấp – cụ thể là dưới 800 USD. Quy định này đã tồn tại từ những năm 1930 và trở thành lỗ hổng lớn trong hệ thống thương mại hiện đại.
Trong những năm qua, các tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc như Shein, Temu và AliExpress đã tận dụng tối đa chính sách này. Họ xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên việc gửi hàng triệu kiện hàng nhỏ – từ quần áo, mỹ phẩm đến đồ gia dụng – trực tiếp đến tay người tiêu dùng Mỹ mà không phải chịu bất kỳ loại thuế nào.
Theo số liệu từ Quốc hội Mỹ, riêng năm 2022, hơn 80% lượng hàng thương mại điện tử vào Mỹ được nhập khẩu dưới hình thức de minimis. Tổng giá trị hàng Trung Quốc theo diện miễn thuế này đã tăng vọt, từ 5,3 tỷ USD năm 2018 lên đến 66 tỷ USD trong năm 2023.
Việc Mỹ bất ngờ siết chặt chính sách này không chỉ là cú sốc đối với các công ty thương mại điện tử Trung Quốc, mà còn có thể ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng Mỹ. Nếu bị áp thuế cao, các sản phẩm giá rẻ vốn làm nên tên tuổi của Shein hay Temu có thể sẽ tăng giá mạnh, khiến sức cạnh tranh của họ giảm sút trên thị trường Mỹ – nơi họ đã chiếm được lòng tin của hàng triệu khách hàng trẻ tuổi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc kiểm tra từng kiện hàng để áp thuế cũng sẽ kéo theo chi phí hậu cần tăng cao và làm chậm thời gian giao hàng. “Nếu kiểm tra từng gói, chi phí với người tiêu dùng đội lên rất nhiều. Thời gian giao hàng cũng vậy", ông Clark Packard – chuyên gia tại viện nghiên cứu Cato Trade – nhận định.
Giáo sư Christopher Tang – chuyên gia chuỗi cung ứng tại Đại học California (Mỹ) – cho rằng de minimis chính là yếu tố giúp hàng hóa Trung Quốc có mặt phổ biến với giá rẻ tại Mỹ. Giờ đây, khi lỗ hổng này bị bịt lại, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, hoặc tìm cách vận hành qua các kênh mới để tránh thuế.
Bối cảnh của động thái này là sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kể từ đầu năm nay, chính quyền ông Trump liên tục tăng mức thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc, đưa tổng mức thuế đối ứng trong nhiệm kỳ hai lên tới 104%. Đáp lại, Trung Quốc cũng không ngừng tung ra các biện pháp trả đũa, từ việc áp thuế nhập khẩu, siết xuất khẩu các kim loại chiến lược đến đưa doanh nghiệp Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin.