Quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia Mũi Né

14:21 26/03/2021

Vừa qua, ngày 22/3 Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn 2050. Khu du lịch quốc gia Mũi Né được quy hoạch trên tổng diện tích 14.760 ha ở 3 địa phương ven biển: Phan Thiết, Bắc Bình và Tuy Phong.

Hình minh họa (nguồn: Internet)
Hình minh họa (nguồn: Internet).

Theo đó, khu du lịch sẽ được mở rộng lên hướng Thiện Nghiệp nối qua khu ven biển hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong. Địa giới xác định từ sông Phú Hài (Phan Thiết) đến sông Lũy (Phan Rí Cửa).

Trong đó, trung tâm là khu vực TP Phan Thiết khoảng 6.625 ha (các phường Mũi Né, Hàm Tiến, Phú Hài và xã Thiện Nghiệp), bao gồm dải đất ven biển từ phường Phú Hài đến hết ranh giới phường Mũi Né, được giới hạn bởi đường Võ Nguyên Giáp, đường tỉnh 715, đường giao thông liên xã Thiện Nghiệp. Khu vực huyện Bắc Bình rộng 7.165 ha (hai xã Hòa Thắng và Hồng Phong), bao gồm dải đất ven biển từ ranh giới xã Hồng Phong đến hết ranh giới xã Hòa Thắng, được giới hạn bởi đường tỉnh 716, đường Hòa Thắng – Hòa Phú... Khu vực huyện Tuy Phong 970 ha (xã Hòa Phú trước đây, nay đã nhập vào thị trấn Phan Rí Cửa), gồm dải đất ven biển từ xã Hòa Thắng đến giáp sông Lũy.

Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị tài nguyên nổi trội như biển, cát, cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa, đặc biệt là thắng cảnh Bàu Trắng, Bàu Sen, tháp Pô Sah Inư, Đồi cát bay Mũi Né. Đồng thời, gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Quy hoạch kết nối với các điểm tiềm năng du lịch khác của tỉnh, vùng du lịch Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Nam Tây nguyên, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đến năm 2040, Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trung tâm du lịch mang tầm quốc tế, một điểm đến hàng đầu, có tính cạnh tranh cao không chỉ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà cả khu vực Trung Đông.

Bên cạnh đó, quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né còn hướng đến mục tiêu làm cơ sở, căn cứ pháp lý để xác định các dự án, quy hoạch nhằm kêu gọi,thu hút đầu tư xây dựng, giải quyết các hạn chế, bất cập còn tồn tại và kiểm soát phát triển tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né. 

Đồi cát Đỏ, địa điểm du lịch nổi tiếng của Mũi Né
Đồi cát Đỏ, địa điểm du lịch nổi tiếng của Mũi Né.

Trong tương lai, Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ là trung tâm du lịch với sản phẩm nổi bật là du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch gắn với đặc trưng cảnh quan và địa hình “cát”; là khu du lịch quốc gia phát triển du lịch hài hòa với phát triển đô thị; là trung tâm văn hóa, lễ hội gắn với các giá trị nổi bật về văn hóa Chăm, văn hóa cộng đồng dân cư miền biển và các lễ hội truyền thống.

Quy hoạch chung còn dự báo quy mô khách du lịch đến năm 2025 đón khoảng 9 triệu lượt khách (khách quốc tế 1,5 triệu lượt); đến năm 2030 đón khoảng 14 triệu lượt khách (khách quốc tế 2,5 triệu lượt); đến năm 2035 đón khoảng 19 triệu lượt khách (khách quốc tế 4 triệu lượt); đến năm 2040 đón khoảng 25triệu lượt khách (khách quốc tế 6 triệu lượt) và đến năm 2050 đón khoảng 35 triệu lượt khách (khách quốc tế 11 triệu lượt).

Ngoài ra, Quyết định còn có các yêu cầu về nội dung quy hoạch như: phân tích và đánh giá vị thế, mối liên hệ vùng, hiện trạng, dự báo phát triển và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, định hướng phát triển không gian... cho Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Theo baobinhthuan.com