Max Friberg, đồng sáng lập, CEO của Inex One.
"Tôi đã mở công ty và dạy ngôn ngữ đồng thời vẫn đi làm, nhưng như vậy giống như một sở thích hơn là một công việc thực sự", Sjoqvist nói với CNBC. Thời gian nghỉ phép này "giúp tôi có cơ hội dành toàn bộ thời gian cho công ty của mình".
6 tháng sau, số lượng khách hàng tại học viện ngôn ngữ của Sjoqvist tăng gấp ba lần, giúp cô thêm tự tin để từ bỏ công việc hành chính tại cơ quan chính phủ và trở thành doanh nhân.
Quốc gia của những doanh nhân
Sjoqvist là một trong hàng nghìn người làm thuê tại Thụy Điển được hưởng lợi từ một sáng kiến nhằm khuyến khích khởi nghiệp tại quốc gia này. Chương trình này cho phép tất cả nhân viên toàn thời gian nghỉ trong vòng 6 tháng để tập trung vào ý tưởng kinh doanh của mình và có thể quay lại làm việc khi hết thời hạn trên.
Với chương trình này - được gọi là tjänstledighet ở Thụy Điển, người lao động thường không được trả lương và chỉ được dùng một lần đối với mỗi cơ quan, công ty mà họ làm việc. Họ được đảm bảo công việc cũ trong quá trình phát triển ý tưởng của mình. Đây được xem là cơ hội hiếm thấy đối với hầu hết doanh nhân khởi nghiệp.
Nhà sử dụng lao động chỉ có quyền từ chối yêu cầu nghỉ phép của nhân viên vì những lý do quan trọng liên quan tới hoạt động của công ty hoặc nếu xem công ty khởi nghiệp của nhân viên là một đối thủ trực tiếp.
"Theo tôi được biết, đây là quốc gia duy nhất đưa ra quyền được nghỉ phép để khởi nghiệp", Claire Ingram Bogusz, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về doanh nhân và hệ thống thông tin tại Trường Kinh tế Stockholm, nói với BBC.
Chương trình này được đưa ra vào năm 1998 và là một trong số nhiều chế độ nghỉ phép tại Thụy Điển - bao gồm nghỉ sinh 18 tháng - nhằm nâng cao quyền tự do cho người lao động.
Tại một quốc gia thu thuế cao như Thụy Điển, những phúc lợi xã hội như vậy là tiêu chuẩn. Tuy nhiên, chương trình dành cho doanh nhân khởi nghiệp này khác ở chỗ nó giúp thúc đẩy phát triển hoạt động khởi nghiệp.
Kinh tế học truyền thống cho rằng các quốc gia có thuế suất cao thường không khuyến khích kinh doanh khởi nghiệp bởi nhiều người nhận thấy việc này mang lại nhiều rủi ro hơn. Đây là trường hợp của Max Friberg, 31 tuổi, người "thực sự thích công việc của mình" trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp và có thể sẽ vẫn tiếp tục làm ở đây nếu không có chương trình nghỉ phép trên.
"Tôi sẽ do dự khi mở công ty riêng nếu không có cơ hội quay lại", Friberg nói với CNBC và cho biết kỳ nghỉ phép 6 tháng giúp anh có thời gian và sự đảm bảo (về công việc) để làm một phép thử với phần mềm của mình. Hiện Friberg đã bỏ công việc cũ và trở thành CEO của công ty phần mềm Inex One.
20 startup trên mỗi 1.000 người lao động
Thụy Điển không lưu số liệu chính thức về số người đã dùng quyền nghỉ phép này. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, quốc gia châu Âu này đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về số lượng người lao động trong độ tuổi 25 - 54 đăng ký nghỉ phép theo chương trình này, BBC dẫn thông tin từ cơ quan thống kê của Thụy Điển.
Sự thay đổi này phản ánh làn sóng khởi nghiệp đang bùng nổ tại Thụy Điển. Trên thực tế, sau Thung lũng Silicon, Stockholm là nơi có số lượng startup tỷ USD trên đầu người cao nhất thế giới, gồm những tên tuổi lớn như Spotify và Minecraft.
Tại nước này, cứ 1.000 người lao động thì có 20 startup, trong khi con số này tại Mỹ là 5, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
"Tôi cho rằng đây là cách làm tuyệt vời để thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp", Sjoqvist, người sáng lập của E.L.A.N.S (Enjoy Learning And Never Stop). "Tôi nghĩ những chương trình như thế này đã góp phần tạo ra số lượng lớn những startup kỳ lân (định giá từ 1 tỷ USD) như Spotify và King."
Tuy nhiên, vẫn cần có thời gian để những lợi ích của chương trình này được công nhận. Ít nhất là với những người sử dụng lao động. Theo chương trình, các doanh nghiệp phải chịu những xáo trộn khi một nhân viên vắng mặt. Tại những quốc gia với nền kinh tế ổn định như Thụy Điển, đây là điều hầu hết có thể chấp nhận. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác, đây là điều không hề dễ dàng.
Chưa kể, ngay cả ở Thụy Điển, vẫn có những cách hiểu sai lệch về ý nghĩa của chương trình này. Sjoqvist cho biết cô đã phải giải thích cho sếp của mình về nó. "Ban đầu, sếp của tôi thậm chí không hề biết quy định này tồn tại trong luật, vì vậy tôi phải chỉ cho bà ấy", Sjoqvist nói.
Sjoqvist và Friberg là những người quyết định bỏ công việc toàn thời gian để theo đuổi startup của mình. Tuy nhiên, có nhiều người khác không thành công và quyết định quay lại công việc cũ khi thời hạn nghỉ phép của chương trình kết thúc.
Ingram Bogusz cho rằng, chương trình này mang lại ý nghĩa tích cực đối với các ông chủ, bởi khi quay lại, nhân viên của họ làm việc hào hứng hơn và đánh giá cao những lợi ích của việc làm toàn thời gian.
"Với những người đã ra ngoài thử làm điều mới mẻ và quay lại, mọi thứ không hề tiêu cực. Thậm chí, nó còn mang lại lợi ích, khi họ nhận ra rằng công việc (cũ) này đúng là dành cho mình", Bogusz nói với BBC.
Ngọc Trang